SAC DEP HOA ANH DAO

Công viên ở Tokyo, thiên đường cuối tuần cho trẻ

Tin tức tổng hợp Cập nhật 13 tháng 10 1033 lượt xem

Ấn tượng về thủ đô Tokyo trong mắt các du khách nước ngoài là những khu phố náo nhiệt, người người chen chúc nhau trên chuyến tàu buổi sáng, hay là ùn ùn đổ lên từ lòng đất như kiến vỡ tổ vào giờ cao điểm. Nhưng, còn có một Tokyo rất khác, Tokyo của những khoảng không gian công viên xanh mát cho gia đình vui chơi, đặc biệt là những khu vui chơi vận động hấp dẫn cho trẻ nhỏ, thứ còn rất hiếm hoi ở những đô thị của Việt Nam.

Thủ đô Tokyo, với diện tích 2.190 km2, dân số ước chừng khoảng 13,5 triệu người, nếu so với Hà Nội thì diện tích chỉ bằng một nửa nhưng dân số lại gấp đôi. Tuy vậy, trong 23 quận trung tâm của Tokyo có đến tổng cộng 72 công viên lớn quy mô thành phố quản lí, nhiều công viên có diện tích rộng hơn cả công viên lớn nhất Hà Nội là công viên Thống Nhất (diện tích gần 20.000m2). Chưa kể 23 thành phố vệ tinh nhỏ cũng có số lượng công viên tương tự. Ngoài ra, ở mỗi khu phố nhỏ của Nhật đều có một công viên “xóm” nho nhỏ với diện tích tầm 200 - 300m2 chủ yếu để trẻ em và người dân gần đó đi dạo chơi mỗi ngày. Điều ấy đủ để thấy rằng người dân và trẻ em ở Tokyo thật may mắn vì có rất nhiều không gian để vui chơi, trải nghiệm, giải phóng năng lượng và vận động hết mình ngoài thiên nhiên.

cong-vien-la-noi-vui-choi-cua-tre

Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Công viên: nơi trải nghiệm - gắn kết gia đình

Ở những khu tập trung dân cư sống trong các khu đô thị mới, tòa nhà chung cư mới đều có một công viên rất lớn dành cho gia đình cuối tuần ra thư giãn và vui chơi. Quận nào càng giàu có và càng có chế độ phúc lợi xã hội tốt cho giáo dục thì công viên càng nhiều. Không cần phải xách balo lên và đi đâu xa, chỉ cần đi bộ, hay đạp xe 1 - 2 cây số là cả gia đình có thể cùng nhau đi picnic, câu cá, chơi bóng và thả diều, trải nghiệm trong không gian nhiều cây xanh,... Khung cảnh ba mẹ ngồi dưới bãi cỏ, hay chơi cùng con ở những khu vận động liên hoàn được thiết kế rất công phu, đáp ứng mọi nhu cầu chơi và vận động của trẻ cho ta cảm giác Tokyo cuối tuần thật thanh bình.

Không chỉ có vậy, rất nhiều công viên của Nhật còn có dịch vụ cho gia đình thuê địa điểm để làm tiệc nướng BBQ, hay là kết hợp với các khu thể thao như quần vợt, cầu lông, bể bơi dành cho người lớn. Vì thế có thể nói công viên chính là một cầu nối quan trọng giúp cho sợi dây tình cảm giữa ba mẹ và con cái thêm gắn kết hơn thông qua những hoạt động vui chơi cùng nhau.

Đa dạng hóa công viên để tăng tính trải nghiệm

Khi trẻ con ở thành phố ngày càng ít được tiếp xúc với thiên nhiên cây cỏ, động thực vật, thì các công viên ở Tokyo luôn cố gắng thiết kế để đạt được những tiêu chí ấy. Mô hình điển hình của các công viên thiên nhiên đó là có những khu vườn kiểu Nhật với hồ nước, dòng suối (親水 - Shinsui) như suối nhân tạo để trẻ có thể câu cá vào mùa hè và lội được dưới nước. Bên cạnh đó sẽ có rất nhiều loài hoa, thực vật và côn trùng được nuôi dưỡng để cho trẻ quan sát. Có thể kể đến những công viên xây dựng theo mô hình này như công viên Toneri, Arakawa Shizen, Higashi Ayase,..

tre-trai-nghiep-cac-hoat-dong-vui-choi

Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Công viên Gyosen không chỉ có những tiêu chí như kể trên, mà còn có cả một khu cho trẻ được tận tay ôm, chăm sóc các động vật như chuột, mèo, thỏ, gà, cừu... để trẻ học cách yêu thương động vật.

Công viên Nishi Kasairinkai nằm trên vịnh Tokyo nên sở hữu một không gian rộng lớn, trong đó có cả một thủy cung cho trẻ quan sát các loài động vật dưới biển. Ở đây còn trưng bày triển lãm về loài Tobihaze - cá thòi lòi, loài đặc trưng ở vịnh Tokyo đang bị suy giảm vì tác động xây dựng của con người, nhằm dạy các em ý thức về bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ.  

tre-cham-soc-cac-con-vat-tai-cong-vien

Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Công viên là nơi để trẻ thỏa sức với các trò vận động

Leo trèo, vận động chính là nhu cầu lớn nhất của trẻ. Vì thế ở mọi công viên đều có riêng một khu cho trẻ vui chơi và vận động hết mình. Đó là cầu trượt dài cả mấy chục mét, hay những tấm lưới đan bằng sợi dây thừng cho trẻ tập leo và trượt, cầu thăng bằng, cầu thang bò... Mỗi công viên có một thiết kế khác nhau tạo nên nét độc đáo cho riêng mình. Ở công viên Arakawa trẻ được lái xe đạp mini trong khu phố nhỏ. Công viên Taiya có các đồ chơi đều được làm từ lốp xe. Công viên Shioiri có đài tháp rất cao cho trẻ trèo, hay đài phun nước để trẻ vừa tắm vừa nghịch nước.

tre-tham-gia-tro-choi-van-dong

Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Vì sao công viên Nhật không dùng cỏ nhân tạo?

Nếu như một số công viên dành cho trẻ em ở Việt Nam sử dụng cỏ nhân tạo và cho trẻ con chạy nhảy trên nền cỏ “sạch sẽ” đó thì ở Nhật lại không hề có một công viên nào dùng cỏ nhân tạo. Vì sao người Nhật không dùng cỏ nhân tạo trong công viên hay khu vui chơi? Bởi vì những vật liệu nhân tạo như cỏ làm từ nhựa, cao su không giúp nuôi dưỡng 5 giác quan và tính cảm thụ cho trẻ. Ngược lại, khi được chơi trong môi trường thiên nhiên với “đồ thật”, “vật thật” như cỏ cây, nước, đất cát, sỏi đá, trẻ sẽ phát triển các giác quan, học cách cảm nhận sự sống thông qua những bước chân, bàn tay cầm nắm, sờ chạm.

Đất và cát được coi là “đồ chơi” tuyệt vời nhất với con trẻ. Đất có thể dùng để nhào làm bánh, dùng làm đường hay muối trong trò chơi đồ hàng, hay đơn giản chỉ là để trẻ nhúm một ít rồi ném đi hay thả cho nó rơi xuống. Sân cát là trang giấy khổng lồ để trẻ vẽ lên những đoàn tàu, những bức tranh ngộ nghĩnh, điều mà sân cỏ nhân tạo không bao giờ có. Chính vì vậy nên công viên nào của Nhật cũng dành ra khoảng đất trống rất lớn cho trẻ chơi.

tre-co-nhung-trai-nghiep-thu-vi

Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu, kilala.vn

Linkhttps://kilala.vn/gia-dinh-va-am-thuc/cong-vien-o-tokyo-thien-duong-cuoi-tuan-cho-tre.html