Các quán hàng rong (yatai) từng phổ biến trên khắp nước Nhật, nhưng đã dần suy giảm ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tại Fukuoka, yatai đang dần hồi sinh khi có những thay đổi mới trong chính sách địa phương.
Đằng sau những tấm bạt che chắn không khí mùa đông lạnh lẽo, các khách hàng ngồi sát cạnh nhau trên những ghế gỗ cũ kỹ xung quanh gian bếp thu nhỏ của Mamichan. Một nồi oden nóng hổi - món lẩu Nhật Bản - lấp đầy không gian nhỏ bé với hương thơm hòa quyện với khói từ những xiên thịt yakitori trên vỉ nướng than hồng.
Đây là một trong những yatai - nhà hàng di động - từng phổ biến khắp Nhật Bản nhưng số lượng đã giảm trên nhiều thành phố. Tuy nhiên, tại thành phố tây nam Fukuoka, yatai vẫn được duy trì, thu gọn trên một chiếc xe kéo mà người chủ có thể đưa đến vị trí cố định 6 đêm mỗi tuần, tạo ra một trải nghiệm ăn uống thân thiện, độc đáo.
Khách hàng đang lướt qua các yatai nằm dọc bờ kênh quận Nakasu của thành phố Fukuoka
Ngay cả ở đây, một trong những thành trì cuối cùng của yatai, số lượng của chúng đã giảm dần. Năm 1960 có khoảng 400, nhưng ngày nay chỉ còn dưới 100. Cũng giống như ở các khu vực còn lại trên cả nước, chính quyền địa phương luôn tìm cách kiềm chế những điểm ăn đêm "ồn ào và khó coi", làm phiền cư dân và xả rác bừa bãi.
Nhưng truyền thống ẩm thực đặc biệt này đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước, điều đó đã bắt đầu tạo nên một số thay đổi trong "văn hóa hàng rong". Năm 2016, các giấy phép kinh doanh hàng rong đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã được trao sau khi thị trưởng thành phố quyết định bênh vực yatai. Và những quan điểm sáng tạo mới về yatai đã lôi kéo một thế hệ khách hàng trẻ tuổi khi chủ đề này được bình luận nhiều trên Instagram và các blog ẩm thực.
Xe hàng rong yatai ở Fukuoka
Bà Mamichan, 56 tuổi, rõ ràng rất thích công việc này, trò chuyện vui vẻ với khách hàng trong khi nấu ăn và phục vụ đồ uống tại yatai mang tên mình, nhưng bà nói rằng không phải lúc nào cũng vậy. Chồng bà đã mua yatai mà không hỏi bà khi bà mới 23 tuổi, và bà buộc phải bắt tay vào việc.
Điều hành một yatai là việc khó - mở cửa vào khoảng 6 giờ tối và không đóng cửa trước 1 giờ sáng. Sau khi đóng cửa phải dọn dẹp, đóng gói và kéo xe về nơi đỗ xe và phần lớn thời gian ban ngày là để chuẩn bị thức ăn.
"Ban đầu, động lực của tôi chỉ là cố gắng làm việc để nuôi con, tôi không thích việc này," Mamichan nói. "Trước đây có nhiều người trẻ bằng tuổi tôi, họ trông rất mốt và chơi đùa và tôi nghĩ, 'Tại sao chỉ có một mình tôi phải làm việc này?'"
Bánh bạch tuộc nướng takoyaki, một món ăn đường phố được yêu thích ở các yatai
Một bữa ăn nhẹ với mỳ trộn ở yatai
Tuy nhiên theo năm tháng, bà nói, bà nảy sinh một niềm tự hào về công việc của mình và sự tán thưởng ngày càng tăng bởi yatai tạo cơ hội cho bà được tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau.
"Tôi có thể gặp nhiều người, kể cả những người đến từ bên ngoài Nhật Bản, từ nhiều quốc gia," bà nói. "Tôi cảm thấy giống như tôi đã đến thăm nhiều quốc gia nên tôi không phải đi du lịch các nơi."
Khi chúng tôi đang ăn, Mamichan đứng dậy để chào 3 khách ra về - một thanh niên từ Tokyo và hai cô gái trẻ từ Osaka, họ vừa kết bạn khi uống chung bia và ăn các bát mỳ nóng, sau đó cùng ra về trong đêm.
Nguồn: vntravellive.com