Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về những điểm tốt đẹp của Việt Nam mà người Nhật hay nói đến. Tôi rất vui khi có cơ hội được chia sẻ cho những người nước ngoài cùng biết cách mà họ nhìn nhận về Việt Nam.
Điều khiến người Nhật ngạc nhiên khi đến Việt Nam là khuôn mặt niềm nở luôn tươi cười của họ. Nhiều người đến Nhật (đặc biệt là vùng Tokyo) đều biết rằng người Nhật rất ít khi thể hiện vẻ tươi cười niềm nở ra ngoài.
Ở Việt Nam, không chỉ nhân viên bán hàng mà cả nhân viên lái taxi, xe ôm, nhân viên tòa nhà, người chơi cầu lông, người trẻ, người già, bất kể nam hay nữ đều bắt chuyện và nói “Xin chào” với vẻ mặt niềm nở khiến người khác cảm thấy rất vui.
Những lúc gặp phải khó khăn hay buồn phiền, nhờ nụ cười và sự niềm nở của người Việt mà người Nhật chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Ở Việt Nam có rất nhiều người đến du lịch, cũng có nhiều người không hiểu được tiếng Việt nhưng bạn hãy cứ thử bắt chuyện với họ xem sao nhé.
Có thể những người chưa từng đi nước ngoài bao giờ không hiểu được điều này, nhưng tôi cảm thấy ở Việt Nam lực lượng thanh niên trẻ tuổi có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố. Trong một bài viết khác “Thiếu hụt nhân lực – vấn đề xã hội của Nhật Bản”, tôi đã đề cập đến vấn đề số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ngày càng tăng, thế nên kể cả có đi ra ngoài thì cũng không gặp được nhiều người trẻ tuổi như ở Việt Nam. Ở Nhật có thể sống yên tĩnh và bình thản, nhưng nhiều người Nhật họ thích các thành phố trẻ trung, năng động giống ở Việt Nam hơn.
Người Việt rất giỏi trong việc bắt chuyện làm quen với những người lần đầu gặp mặt, kể cả không hề quen biết trước đó. Người Nhật có văn hóa chỉ nói chuyện với nhau khi đã gặp gỡ nhiều lần, vì vậy khi thấy người Việt nói chuyện với người lạ một lúc, họ sẽ nghĩ “Chẳng quen biết gì nhau như thế mà sao vẫn nói chuyện được nhỉ?” .
Câu hỏi kể trên là điều mà người Nhật hay nghĩ đến. Tôi lấy ví dụ như đang ở trong thang máy với một người Việt và nghe thấy bạn đó nói chuyện với người bạn bên cạnh, tôi mới hỏi “Bạn cậu đấy à?”, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi bạn ấy trả lời mình rằng “Không, có quen biết gì đâu”. Ở Nhật, người ta hầu như không nói chuyện với người lạ bao giờ, nhiều người còn cảm thấy sợ khi nói chuyện với người lạ là khác!
Để hiểu được tại sao “Cảm xúc” của người Nhật lại khó lý giải như vậy, bạn có thể đọc bài viết liên quan đến giao tiếp với người Nhật tại đây.
Người Việt khi thấy người lớn tuổi hơn trên xe bus thường nhường ghế và nói “Bác ngồi đi ạ”. Nhiều người Nhật nói rằng đây là văn hóa mà họ rất nên học hỏi.
Ở Nhật, đặc biệt là trên tàu điện người ta vẫn nhắc đến vấn đề người trẻ thường ngồi xem điện thoại, nghe nhạc hoặc giả vờ ngủ mà không nhường ghế cho người lớn tuổi.
Người Nhật không thích nói chuyện với người lạ không có nghĩa là họ không giỏi ở khoản “bắt chuyện” này. Thế nên khi các bạn sang Nhật, nếu có thấy người nào đó đang gặp khó khăn cần giúp đỡ thì cứ bắt chuyện nhiều vào xem sao.
Tuy nhiên, có rất nhiều người Nhật từ chối khi được ngỏ ý giúp và bảo là “Không sao, tôi ổn mà”. Nếu bạn đang trên tàu và bị từ chối việc nhường chỗ thì cứ vui vẻ đón nhận thôi. Ép buộc người ta ngồi là việc không cần thiết. (Nhiều khi người ta nói là “Cám ơn nhé, nhưng tôi xuống ở ga kế tiếp rồi nên tôi không ngồi đâu”).
Tôi cảm thấy đây là một trong những điều mà người Nhật cần phải học hỏi nhất. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi đến Việt Nam mà thấy một năm có đến 2 ngày dành cho phụ nữ. Ở Nhật cũng có ngày kỉ niệm tên là “Ngày của Mẹ” nhưng không có sự kiện nào để chúc mừng ngày phụ nữ như “Quốc tế phụ nữ” cả. Văn hóa coi trọng phụ nữ ở Việt Nam quả thực rất tuyệt vời.
Có nhiều chị em phụ nữ đóng vai trò quan trọng như Giám đốc hay quản lý trong công ty ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật thì đến tận bây giờ người ta vẫn lấy triết lý “Đàn ông là trung tâm của xã hội”. Chính phủ Nhật đang cố gắng tạo ra “Một xã hội mà nữ giới hoạt động nỗ lực để thành công” nhưng mãi vẫn chưa làm tốt được.
Một trong số những lý do có thể kể ra là ngay từ thời xa xưa ở Nhật đã có truyền thống “Đàn ông ra ngoài lo đại sự, phụ nữ ở nhà lo mái ấm”, đấy là điều hiển nhiên. Trong chính trị và kinh tế, xã hội Nhật được tạo ra bởi đàn ông nên họ không nghĩ đến việc tạo ra một môi trường để phụ nữ được tự do hoạt động. Tôi muốn nói cụ thể hơn những điều liên quan đến phụ nữ Nhật trong một bài viết khác. Tôi hi vọng rằng văn hóa “Tôn trọng phụ nữ” của người Việt Nam cũng sẽ được truyền bá rộng rãi sang Nhật.
Đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi sống trong một chung cư ở Việt Nam nên khi có khó khăn hay vấn đề gì cần sửa chữa thì ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ. Tôi rất lấy làm biết ơn lòng hiếu khách đó vì đã giúp tôi được yên tâm trong cuộc sống, không bị phân biệt đối xử, kể cả khi tôi là người nước ngoài.
Ở Nhật, người ta thường không biết nên hỏi ai, kể cả có hỏi thì người ta cũng bảo là “Đi mà hỏi người khác đi” nên tôi thấy người Nhật cần học hỏi lòng hiếu khách mà tôi nói ở trên.
Tôi nghĩ là đây là điều ai cũng biết rồi, mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có người Nhật đều công nhận ẩm thực Việt Nam rất đặc sắc. Cũng bởi phở và bánh mì rất rẻ nên người Nhật đến Việt Nam du lịch hay bị ăn nhiều quá.
Thực ra, bạn thân tôi khi đến Hà Nội cũng rất ấn tượng về ẩm thực Việt Nam. Sau khi về nước, lần nào cũng gửi tin nhắn là “Tớ muốn ăn phở Hà Nội”.
Người Nhật tự hào về hương vị của ẩm thực Nhật, nhưng tôi nghĩ hương vị ẩm thực Việt Nam cũng không hề thua kém. Gần đây, ẩm thực Việt Nam đang tạo nên sự bùng nổ ở Nhật, thậm chí còn được đưa lên các chương trình truyền hình của Nhật nữa.
Việt Nam là một quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á. Nhiều tòa nhà đang được xây dựng và giờ đây người Nhật chúng ta cũng có thể dần cảm nhận thấy sự trưởng thành đó.
Hiện tại, để hướng đến Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020 tới, ở nhiều nơi các sân vận động và khách sạn đang được chuẩn bị xây dựng. Tuy nhiên, khi Thế vận hội này kết thúc, người ta cũng lo lắng liệu rằng việc tăng trưởng và phát triển trong tương lai có bị chững lại.
Trong số người Nhật đang ở Việt Nam, có nhiều người đang nỗ lực cho “Sự phát triển của Việt Nam”. Tôi sẽ giới thiệu nội dung này ở bài viết sắp tới.
Khi ở Việt Nam, tôi có thể nghe được âm nhạc ở khắp mọi nơi. Kể cả là người Nhật có không hiểu tiếng Việt cũng có thể hiểu được bài hát đang hát về “Tình yêu” ngay từ giai điệu. Người ta có thể cảm thấy tình yêu ở khắp mọi nơi trong nhạc Việt Nam.
Trong cuộc sống thường nhật, khi nghe thấy một anh tài xế có vẻ vui và cất tiếng hát to, bạn sẽ thấy được âm nhạc đối với người Việt quan trọng như thế nào. Ở Nhật nhiều khi người ta nghĩ việc hát thật xấu hổ, nhưng không phải sự khỏe mạnh của người Việt xuất phát từ âm nhạc hay sao?
Hơn nữa, khi dịch lời bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Nhật, tôi thấy cách thể hiện rất lãng mạn. Thể hiện cảm xúc một cách thẳng thắn quả là một văn hóa rất hay!
Bạn thấy đấy, có thể nói mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tốt đẹp ở bất kỳ khía cạnh nào. Tôi đã gặp rất nhiều người thích phim hoạt hình và truyện tranh Nhật. Kể cả những người không nói được tiếng Nhật cũng biết đến Doraemon rồi cả Conan.
Trong nội đô có rất nhiều xe Honda và Toyota, nhiều người đến trung tâm thương mại AEON Mall để mua sắm, tôi cảm thấy rất vui khi hàng hóa Nhật được ưa chuộng tại Việt Nam.
Để viết về những “Điểm tốt” thì còn nhiều lắm, nhưng như vậy sẽ bị quá dài mất nên tôi chỉ xin tóm lược lại trong 10 lý do mà mình muốn truyền tải nhất thôi.
Các bạn hãy tự hào vì mình là người Việt Nam!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết !
Cập nhật: 15/08/2019 @13:03
Đăng tải: 27/06/2019 @18:39
Nguồn: jnavi.yoiwork.com