Maneki Neko, nghĩa đen có nghĩa là “con mèo vẫy tay”, nghĩa bóng là “chú mèo may mắn”, hay “chú mèo đại phúc”, là một trong những bức tượng phổ biến ở Nhật, thường được làm bằng gốm hoặc sứ. Bức tượng tạc hình một chú mèo đuôi cộc giơ một “tay” lên, giống như đang vẫy chào mọi người vậy. Vì thế nó thường đứng trước lối vào các nhà hàng, cửa hiệu, quán Pachinko, thậm chí cả ngân hàng và các công ty. Người ta tin rằng chú mèo này sẽ mang lại may mắn mà! Cụ thể là nếu mèo vẫy tay trái thì khách hàng sẽ đến, còn vẫy tay phải thì...tiền sẽ đến! Thế còn vẫy cả 2 tay?
Nhưng vì sao người Nhật lại nghĩ rằng Maneki Neko lại mang lại may mắn cho họ nhỉ? Người Nhật có một câu chuyện kể về nguồn gốc của mèo Maneki Neko như sau:
Vào thế kỷ 17, có một ngôi chùa xơ xác và tiêu điều ở Tokyo. Vị thầy tu ở chùa đó rất nghèo, nghèo lắm, nhưng ông vẫn chia phần lương thực ít ỏi của mình cho chú mèo cưng Tama của mình. Một ngày nọ, có một người giàu có và quyền thế trên đường đi săn thì gặp bão, phải đến trú ở một cái cây to gần ngôi chùa. Đang đứng chờ bão tan, ông chợt nhìn thấy một con mèo giơ một chân lên vẫy ông vào chùa. Quá ngạc nhiên, ông rời bỏ chỗ nấp và tiến về phía bên trái để nhìn cho rõ hơn con mèo kỳ lạ. Ngay lập tức, một tia sét giáng xuống trúng ngay cái cây ông vừa đứng! Và thế là, người đàn ông giàu có đó trở thành bạn của vị thầy tu nghèo, ngôi chùa từ đó cũng khang trang hơn. Thầy tu và chú mèo Tama không bao giờ bị thiếu ăn nữa. Khi Tama chết, nó được chôn cất ở nghĩa địa dành cho loài mèo trong chùa Goutokoji với tất cả sự kính trọng và yêu thương. Và Maneki Neko đã ra đời để tưởng nhớ tới chú mèo đó.
Ngày nay, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp những Maneki Neko ôm một đồng tiền vàng. Đồng tiền này gọi là koban, được sử dụng từ thời Edo, mỗi một đồng có giá trị khoảng 1 ryou. Nhưng mà đồng tiền mèo Maneki cầm nó to hơn hẳn, những 10 triệu ryou .
Về màu sắc, không phải màu nào cũng có ý nghĩa như nhau, mỗi màu của Maneki Neko là một thông điệp khác nhau:
- Maneki Neko tam thể: tức là toàn thân màu trắng có điểm những đốm đen và khoang màu vàng, tượng trưng cho sự cực kỳ may mắn. Chú mèo có màu này rất phổ biến.
- Maneki Neko trắng: màu phổ biến thứ hai, tượng trưng cho sự trong sạch, thuần khiết.
- Maneki Neko đen: chú mèo này thường được giới nữ sử dụng, dùng nó có thể tránh được những thứ xấu xa.
- Maneki Neko hồng : Màu này mới được phổ biến thôi, dùng để...gọi tình yêu đến với mình! Chú này chắc chắn được dành cho giới trẻ và những người đang ...cô đơn
- Maneki Neko đỏ : đây là màu mang tính chất bảo vệ, giúp người ta tránh được ma quỷ và bệnh tật.
- Cuối cùng là Maneki Neko vàng: màu này tượng trưng cho sự giàu sang, nên chú mèo có màu này được dùng để...gọi tiền của đến với mình!
Đây là Engimono (biểu tượng may mắn) phổ biến thứ 2 ở Nhật, sau Maneki Neko. Daruma là tên được phiên âm từ chữ Dharma, là một con búp bê làm từ giấy bồi không có tay chân, có râu và ria, trọng tâm nằm ở dưới đế nên không bao giờ bị ngã, người Việt mình hay gọi loại búp bê này là lật đật. Nó được làm mô phỏng theo hình dáng ngồi thiền của Bodhidharma - Bồ Đề Đạt Ma, người đã sáng lập ra Thiền phái trong Phật giáo chính tông và mở rộng từ Trung Quốc rồi phát triển đến Nhật Bản hiện đại.
Năm 1697, chùa Daruma được dựng lên ở Takasaki, vị trụ trì có tên Shinetsu đã vẽ hình Bodhidarma ngồi thiền vào mỗi năm mới, đó được cho là khởi đầu của búp bê Daruma. Cuối thế kỷ 18, một người tên là Yamagata Goro đã tạo ra hình dáng ban đầu của búp bê Daruma theo ngoại hình của nhà sư Togaku, sau này ông đã dán giấy lên nó và thành Daruma như hiện nay. Vào thời Minh Trị, khi nghề nuôi tằm phát triển, Daruma được dùng để cầu chúc cho một vụ mùa thu được nhiều sợi tơ tằm. Và đến bây giờ, nó đã trở thành vật bất ly thân của những doanh nhân mong muốn sự thành công và giàu có.
Vậy thì Daruma tượng trưng cho điều gì mà người ta lại coi trọng nó đến thế? Vì nó không bao giờ biết ngã, cứ nằm xuống lại bật dậy, nên thông điệp của nó là sự cống hiến hết mình và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Nếu bạn đặt ra một mục tiêu nào đó và quyết tâm thực hiện bằng được, hãy làm theo cách của người Nhật: vào chùa mua một con Daruma, vừa đọc lời cầu ước vừa tô lên con mắt bên phải của nó, rồi đặt ở một nơi thật trang trọng và dễ nhìn thấy nhất, để chứng tỏ bạn sẽ không từ bỏ. Khi đã hoàn thành mục tiêu, bạn tô nốt lên con mắt bên trái, và mang nó đến ngôi chùa trước đó bạn đến vào ngày cuối năm, “hoá vàng” con Daruma để thần linh chứng giám cho sự quyết tâm của mình. Nhưng nếu bạn vẫn chưa xong? Không sao cả, bạn cứ việc đốt Daruma, việc này sẽ giúp bạn thực hiện nguyện vọng hay mục tiêu của mình nhanh hơn! Không chỉ cá nhân mà từ các cửa hiệu, nhà hàng cho đến những doanh nghiệp, tổ chức ở Nhật cũng thường mua một con Daruma vào đầu năm mới, vẽ cho nó một con mắt, rồi trong năm đó, nếu hoàn thành mục tiêu đã đặt ra thì họ sẽ vẽ nốt con mắt còn lại. Những chính trị gia cũng không khác là mấy, họ thường mua Daruma vào đầu kỳ bầu cử, và tô mắt cho nó khi phát biểu trước toàn thể nhân dân để chứng tỏ quyết tâm của mình. Nhưng từ những năm 1990, thói quen này đã bị xoá bỏ do một số tổ chức nhân quyền tuyên bố hình ảnh con Daruma không có mắt là biểu trưng cho sự phân biệt đối xử với những người khiếm thị. Hầu như người Nhật nào cũng mua một con Daruma cho mình, bởi ngoài việc mang lại sự giàu có cho người sở hữu nó, một vụ mùa bội thu cho người nông dân, giúp những người mẹ sinh nở dễ dàng, nó còn bảo vệ những đứa trẻ tránh khỏi bệnh tật nữa
80% Daruma được làm ra tại thành phố Takasaki thuộc tỉnh Gunma. Những ngôi chùa Phật giáo cũng có bán những con Daruma này. Giá cả à, uhm, bình thường thì khoảng 500 yên cho một con Daruma cỡ nhỏ (cao 5cm), và 10000 yên cho Daruma cỡ lớn (60cm).
Về màu sắc, có 4 màu : đỏ (màu này phổ biến nhất), vàng, xanh lá cây và trắng.
Về giới tính: có cả Daruma nam và Daruma nữ.
Inu-hariko, được ghép từ 2 chữ Inu (chó) và Hariko (giấy bồi), có nghĩa là “chú chó giấy bồi” . Đúng như tên gọi của nó, Inuhariko là một chú chó được làm từ hỗn hợp giấy + bột thạch cao, thường được coi là món quà dành cho phụ nữ mang bầu và trẻ em.
Với người Nhật, chó là một con vật có khả năng đe dọa hồ ly, chồn hay yêu mèo vì nó có thể phát hiện ra chúng trong hình dạng con người. Vì thế, ngay từ cuối thời Edo, người ta đã làm những con Inu-hariko nhỏ xíu tặng cho những người phụ nữ có bầu, hoặc để bên cạnh gối trong khi sinh nở với mục đích giúp họ sinh nở dễ dàng và có một đứa con kháu khỉnh, khoẻ mạnh. Sau này, họ cũng làm những Inu-hariko với nhiều kích cỡ khác nhau được trang trí bắt mắt để làm đồ chơi cho trẻ em, và cũng là “lá bùa” giúp chúng tránh khỏi những yêu ma quỷ quái hay những sinh vật nguy hiểm.
Inu-hariko là một chú chó mang linh hồn của mèo và chồn, vì thế mặt nó trông không giống những chú chó thật khác mà giống mèo hơn. Hiện nay, Inu-hariko đã trở thành engimono mang lại sự an toàn và may mắn đối với tất cả người Nhật. Vì thế nó cũng được các điện thờ làm để bán đại trà. Về quá trình làm một con Inu-hariko, trông thì đơn giản chứ thực ra rất phức tạp.
“Uchide no kozuchi”, dịch ra có nghĩa là “chiếc búa nhỏ thần kỳ”, là biểu tượng của sự sung túc và giàu có. Nó bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích “Isshun boushi” – Cậu bé 1 sun. Theo đơn vị của Nhật, 1 sun = 3,03 cm.
Chuyện kể rằng, có một đôi vợ chồng đã già mà vẫn chưa có một mụn con nào. Bà vợ ngày ngày cầu khấn thần linh cho mình một đứa con. Và cuối cùng bà cũng được toại nguyện, nhưng than ôi, đứa con ấy tuy là con trai nhưng nó chỉ to đúng bằng môt ngón chân út của mẹ. Vì thế nó có tên là Isshunboushi. Isshunboushi tuy nhỏ người nhưng rất khoẻ, vì thế bố mẹ nó cũng đỡ vất vả. Một hôm, Isshun mài chiếc kim thành một thanh kiếm và lên chiếc thuyền làm từ cái bát đựng canh đi vào thành phố. Sau khi vào thành phố, cậu tìm đến nhà của vị lãnh chúa giàu có nhất vùng. Cậu muốn được làm người hầu trong lâu đài của ông. Công chúa con vị lãnh chúa nhìn thấy Isshun bé bé xinh xinh nên rất thích, thế là Isshun được ở lại làm người hầu cho công chúa.
Một ngày nọ, sau khi đến điện thờ nữ thần Kannon cùng Isshun, trên đường trở về đột nhiên một tên Oni xuất hiện và bắt công chúa đi. Isshun vô cùng giận dữ, lao vào dùng thanh kiếm nhỏ xíu của mình đâm tới tấp. “Ngươi cũng khỏe đấy thằng nhóc”, Oni nói thế rồi bỏ tọt Isshun vào miệng nuốt chửng. Nhưng cậu không chịu thua, dùng hết sức đấm đá lăn lộn đâm chọc lung tung trong bụng con quái vật. Cho tới khi Oni không chịu được nữa phải ói Isshun ra và bỏ chạy. Trong lúc chạy trốn Oni đã bỏ lại chiếc búa thần. Công chúa nhìn thấy cầm lên và lắc mạnh “Xin hãy cho lớn lên”, thế là Isshunboushi biến thành một chàng trai tuyệt vời và kết hôn với công chúa. Chàng đưa cha mẹ mình về ở trong lâu đài và mọi người cùng sống hạnh phúc với nhau trọn đời
Từ những câu chuyện ấy, Uchie no kozuchi đã trở thành 1 engimono của người Nhật, với niềm tin nếu sở hữu nó sẽ có được sự giàu sang sung túc. Người ta thường đến chùa, và khi muốn cầu xin thứ gì đó, họ sẽ lắc cái búa, vừa lắc vừa khấn nữa cơ. Ngày nay, Uchide no kozuchi không còn nằm trong giới hạn phạm vi chùa chiền nữa, mà nó đã được những nghệ nhân tài ba chế tác thành những đồ trang trí trong nhà, đồ trang sức như dây chuyền, hay móc khoá, thậm chí là cả vật dụng hàng ngày như đồ kê đũa...
Hamaya là từ được ghép từ 2 chữ hama và ya. Ya có nghĩa là mũi tên, Tương tự như vậy, trong hamayumi thì yumi có nghĩa là cung tên. Còn Hama, được hiểu theo 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất, đây là một từ cổ chỉ cái bia bắn tên hoặc các cuộc thi bắn cung (trong cuộc thi, người ta ném chiếc bia lên trời hoặc lăn chúng trên đất, các thí sinh phải ngắm thật chuẩn để bắn trúng bia chính xác), nghĩa thứ hai có nghĩa là “trừ tà”. Vì vậy, hamaya và hamayumi được hiểu là “mũi tên trừ tà” và “cung tên trừ tà”.
Hamaya được làm ra bởi các thầy tu trong các điện thờ Thần giáo và bán vào dịp năm mới hoặc một số dịp khác, có màu trắng và đầu mũi tên được thiết kế đặc biệt. Người ta mua vể để trong nhà với mong muốn một năm mới nhiều may mắn và yên lành. Các Miko trong điện cũng thường mang nó trong các dịp lễ Tết với ý nghĩa tượng trưng cho sự thanh tẩy. Nhưng vì sao hamaya lại được coi là vật mang lại may mắn?
Khoảng 700 năm về trước, có một con quỷ đã xuất hiện ở lâu đài của hoàng đế. Nó khiến cho ngài bị ốm không thể dậy lo việc triều chính được. Và một dũng sĩ tên Yorimasu Minamoto đã được cử đến hạ yêu quái, ngay từ mũi tên đầu tiên, chàng đã tiêu diệt được con quỷ xấu xa và giúp hoàng đễ khoẻ mạnh trở lại. Tất nhiên sau đó Minamoto đã được hưởng những gì xứng đáng với việc chàng đã làm. Sau câu chuyện đó, người ta tin rằng mũi tên thứ nhất - haya là để tiêu diệt những “con ma đói” trong tâm hồn con người. “Con ma” đó chính là sự cám dỗ, tham vọng, những suy nghĩ xấu xa...Và mũi tên thứ 2 - otoya là để mời gọi hạnh phúc đến với bản thân sau khi đã trở nên trong sạch.
Vì thế, đến tận bây giờ, hamaya đã trở thành “tấm bùa may mắn” không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Các điện thờ Thần giáo sẽ bán những mũi tên này, đi kèm là các thẻ xăm gieo quẻ đoán vận trong năm. Không chỉ dùng để xem bói, hamaya còn được dùng làm quà tặng cho các bé trai trong Tết đầu tiên, đi kèm là chiếc cung hamayumi (hay còn gọi là Saiguyumi - cung tên dành cho các pháp sư). Hiện nay do nghi lễ này đã được rút gọn nhiều nên chỉ còn lại hamaya thôi. Nhưng vào ngày lễ khánh thành nhà mới - Joutousai, người ta vẫn sẽ thực hiện nghi lễ thanh tẩy một các nghiêm chỉnh, đó là chuẩn bị cả hamaya và hamayumi, đặt trong góc nhà theo 2 hướng Đông Bắc và Tây Nam, vì đó là những hướng dễ bị ảnh hưởng bởi ma quỷ nhất. Làm thế thì ngôi nhà sẽ được yên ổn, ma quỷ sẽ không đến quấy nhiễu.
Với người Nhật, có một chiếc hamaya trong nhà họ sẽ cảm thấy tâm hồn mình trở nên trong sạch và yên bình hơn, có thể tránh khỏi mọi cám dỗ và những ý nghĩ xấu xa do ma quỷ xúi giục, và như thế họ sẽ có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Hagoita là một chiếc vợt có dạng hình mái chèo được dùng trong một trò chơi vào đầu năm mới của các bé gái có tên Hanetsuki – cầu lông của Nhật Bản. Năm mới đầu tiên sau khi một đứa trẻ được sinh ra được gọi là “hatsu-shogatsu” (Hatsu có nghĩa là “đầu tiên”, và shogatsu có nghĩa là “năm mới”). Vào thời xưa, có một tục lệ cổ để kỷ niệm sự kiện quan trọng của đứa bé này: ông bà, bố mẹ, những người trong gia đình cũng như anh chị em của bố mẹ, nakodo (người làm mối) và bạn bè sẽ gửi tặng Hagoita (vợt cầu lông bằng gỗ) cho bé gái và Hamayumi (bộ cung và tên được làm phép có tác dụng trừ ma quỷ) cho bé trai.
Hamayumi được tặng cho bé trai Cả Hagoita và Hamayumi đều bắt nguồn từ một vật báo trước may mắn của năm và xua đuổi những điềm xấu trong dịp năm mới của thời cổ xưa. Người ta nói rằng việc một bé gái đập vợt Hagoita vào cầu Hane sẽ mua đi vận xui của mình.
Cầu Hane được làm từ lông chim và hạt quả bồ hòn có màu đen, tròn và cứng. Quả bồ hòn được gọi là mukuroji trong tiếng Nhật, được viết bằng chữ Hán với ý nghĩa “đứa trẻ không bị đau ốm”. Nói tóm lại, Hagoita là một loại bùa may mắn để đảm bảo sức khỏe cho bé gái.
Ngoài ra, Hane khi bay trên không khí còn giống chuồn chuồn – một loại côn trùng ăn muỗi (ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành thì bắt muỗi trong không trung). Do đó, vì muỗi sợ Hane, nên Hagoita còn có thêm ý nghĩa bảo vệ đứa bé khỏi bị muỗi đốt.
Sau này, Hagoita không chỉ được dùng để chơi Hanetsuki, mà được dùng chủ yếu như một vật trưng bày. Điều này bắt nguồn từ việc người ta trưng bày Hagoita vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 12, sau đó mở một bữa tiệc và mời những người đã tặng quà vào đầu năm đến. Ngôi sao của bữa tiệc kỉ niệm này hẳn nhiên là đứa trẻ. Người ta khuyên rằng nên cất chúng đi vào khoảng ngày 15/1 vì vào thời gian này, có một lễ hội lửa đốt shimenawa (sợi dây thừng linh thiêng) và matsukazari (vật trang trí Năm Mới bằng thông). Lễ hội lửa này ở Nhật được gọi là Donto-yaki hoặc Dondon-yaki. Bằng cách này, người ta cầu nguyện cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em.
Lễ hội lửa Dondon-yaki Ngoài thiết kế cổ truyền, ngày nay Hagoita còn được trang trí theo các mẫu mã rất hiện đại. Thậm chí người ta còn thấy rất nhiều Hagoita có hình các chính trị gia được bày bán.
Chiếc vợt may mắn tặng cho bé gái
Một trò chơi truyền thống được các bé gái chơi vào dịp Năm Mới có tên là Hanetsuki. Hanetsuki (羽根突き, 羽子突き) tương tự như cầu lông của chúng ta, chỉ khác là không dùng lưới.
Tranh mộc bản cổ mô tả cảnh các bé gái chơi Hanetsuki Để chơi Hanetsuki, bạn cần một chiếc vợt gỗ hình dạng như chiếc mái chèo gọi là hagoita và một quả cầu lông màu sặc sỡ gọi là hane. Cầu lông hane Dù nói Hanetsuki thường được chơi bởi các bé gái, thì cũng không phải ngoại lệ mà các bé trai tham gia vào trò chơi này. Trò chơi này có thể chơi theo hai kiểu, nếu chơi một mình thì phải dùng mặt vợt đập sao cho cầu nảy lên liên tục, không bị rơi, còn nếu chơi hai người thì hai người đó sẽ đánh cầu qua lại cho nhau, càng lâu càng tốt.
Nếu chơi hai người thì sẽ đánh qua đánh lại thế này Màn vui nhất của trò chơi này là sau khi một ván chơi kết thúc. Ván chơi sẽ kết thúc khi một người làm rơi cầu xuống đất, và hình phạt sẽ là bị quẹt mực nho lên mặt. Thỉnh thoảng cũng có con trai tham gia Hanetsuki, và vì đây không phải là sở trường nên các cậu bé thường là người bị quẹt mực nhiều nhất
Lễ hội Tori no ichi, còn gọi là lễ hội Tori, tức Lễ hội ...Gà thường được tổ chức vào tháng 11, vào các ngày Dậu, nên lễ hội này thường được tổ chức ít nhất 2 lần trong tháng. Lễ hội lớn nhất là ở điện Ootori thuộc Asakusa của Tokyo. Vào những ngày lễ hội, điện thờ sẽ bán kumade cho khách hàng nào có mong muốn được hạnh phúc và giàu có.
Kumade là từ được ghép bởi 2 chữ kuma (gấu) và te (tay), đi với nhau sẽ đọc thành kumade – tay gấu. Vì sao lại tên là tay gấu nhỉ? Vì kumade còn là tên gọi cái cào làm bằng tre dùng để cào thóc hay cào lá khô của những người nông dân Nhật Bản từ xa xưa. Nó có những cái ngạnh chĩa ra trông như móng vuốt của con gấu vậy. Nó cũng từa tựa như cái đinh ba 9 răng của Trư Bát Giới, nhưng tất nhiên cái đinh ba ấy không thể giống tay gấu được.
Những người nông dân vẫn bảo với nhau rằng “Anh có thể kiếm tiền nhờ kumade”. Thế là, bắt đầu từ thời Edo, kumade được trang trí bắt mắt bằng nhiều engimono như mặt nạ thần tài, đồng tiền vàng, 7 vị thần tài hay chiếc thuyền chở kho báu và trở thành một trong những vật mang lại may mắn cho người Nhật. Câu nói xưa kia đã được cải biến thành “Kumade có thể cào ra tiền”.
Tuy vào dịp năm mới kumade cũng được đem ra bán, nhưng thường thì người ta mua kumade ở lễ hội Tori nhiều hơn. Vì trong tiếng Nhật, “tori” đọc lên nghe có cảm giác rất...may mắn! Nó có nghĩa là vơ vào hay tập hợp may mắn. Chính vì thế mà vào lễ hội này, ở Ootori lúc nào cũng có hơn 200 quầy hàng bày bán kumade đấy. Không những thế, ở các khu lân cận khu Asakusa lễ hội Tori cũng được tổ chức tưng bừng không kém đâu.
Akabeko, có nghĩa là “con bò màu đỏ” được ghép từ chữ “aka” – màu đỏ và “beko” – con bò (phương ngữ vùng Aizu), là một loại đồ chơi bằng giấy bồi, “xuất thân” ở vùng Aizu. Theo truyền thuyết Aizu, năm 807, có một thầy tu tên Tokuichi khi đó đang giám sát việc xây dựng chùa Enjou ở Yanaizu. Sau khi hoàn thành, một con bò đỏ được dùng để chuyển gỗ đã không chịu rời khỏi ngôi chùa, da thịt nó biến thành đá và trở thành Akabeko - biểu tượng cho sự cống hiến hết mình cho Đức Phật.
Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, Toyotomi Hideyoshi trên con đường củng cố quyền lực khắp đất Nhật Bản, đã cho Gamou Ujisato làm lãnh chúa vùng Aizu năm 1590. Vừa lên nắm quyền, Ujisato đã được nghe câu chuyện về akabeko nên lệnh cho người nghệ nhân theo hầu ông từ Kyoto làm một thứ đồ chơi dựa theo hình dáng con bò đỏ. Akabeko bằng giấy bồi bắt đầu phổ biến từ đó. Cùng thời gian ấy, nạn đậu mùa cũng xuất hiện và lan rộng khắp nơi. Những người dân Aizu để ý thấy những đứa trẻ có akabeko thì hầu hết không bị bệnh đậu mùa. Màu đỏ của con bò cũng làm tăng thêm sự liên tưởng kỳ lạ đó bởi màu đỏ được cho là màu chống lại bệnh tật. Thế là akabeko trở thành engimono dùng để đẩy lui bệnh tật, và suy nghĩ đó cho đến giờ vẫn còn tồn tại trong người dân Nhật.
Akabeko làm từ giấy bồi có 2 phần: phần đầu – cổ và phần thân, chúng được nối với nhau bằng một sợi dây. Khi con bò di chuyển hoặc động đậy, cái đầu cũng sẽ ngúc ngoắc lên xuống hoặc quay ngang quay ngửa rất đáng yêu. Ngày nay càng ngày càng hiếm những gia đình làm nghề thủ công truyền thống còn mở xưởng làm akabeko. Những nghệ nhân phải mất khoảng 10 ngày để hoàn thành một con akabeko. Đầu tiên là bọc lớp giấy washi ướt lên 2 khuôn gỗ (thường là khuôn gỗ được truyền từ đời này qua đời khác), một khuôn là thân bò, khuôn kia là đầu và cổ bò.
Sau khi giấy khô, nghệ nhân lại tách chúng ra khỏi khuôn theo chiều dọc, rồi lại gắn lại bằng cách bọc thêm nhiều lớp giấy washi nữa. Khi tô màu trang trí cho sản phẩm, họ sẽ bắt đầu từ màu đen, rồi thêm màu đỏ đặc trưng, cuối cùng mới là tô trắng đôi mắt và những chi tiết khác. Mỗi xưởng thủ công lại có cách đánh dấu khác nhau lên sản phẩm của mình. Ví dụ gia đình Igarashi vẽ lên lưng akabeko chữ Hán Kotobuki, 2 bên thân vẽ mặt trời và mặt trăng. Kết thúc quá trình, akabeko sẽ được khoác lên một lớp sơn mỏng.
Ngày nay, akabeko đã trở thành biểu tượng của vùng Aizu, cứ nói đến nó là người ta liên tưởng đến Fukushima, một tỉnh nổi tiếng với nghề làm akabeko thủ công và những thứ liên quan đến akabeko.
Nguồn: CH Nhật Bản Hachi Hachi/ Theo: Hinode Network