Ngày 30/04/2019
Hoàng thái tử Naruhito rời hoàng cung sau một nghi lễ được gọi là Taiirei-Tojitsu-Kashikodokoro-Omae-no-gi
(để Nhật hoàng Akihito thông báo việc cử hành lễ thoái vị) ở thủ đô Tokyo sáng 30-4 - Ảnh: REUTERS
Sau lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito, hoàng thái tử Naruhito sẽ kế vị "Ngai vàng Hoa Cúc" vào sáng mai 1-5. Cả lễ thoái vị và kế vị sẽ được tổ chức với các nghi lễ đầy tính biểu tượng, có nguồn gốc từ Thần đạo.
Trong đó, nghi lễ quan trọng hàng đầu là hoàng thái tử Naruhito sẽ tiếp nhận 3 báu vật thiêng gồm: tấm gương, thanh kiếm và viên đá quý.
Những biểu tượng của ngai vàng này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Hoàng gia Nhật, đến mức cố Nhật hoàng Hirohito (tức cha của Nhật hoàng Akihito) từng nói rằng việc bảo vệ chúng là một yếu tố dẫn tới quyết định đầu hàng của ông trong Thế chiến 2, theo Hãng tin Reuters.
Theo thần thoại Nhật Bản, một tấm gương và một viên đá quý từng được sử dụng để "quyến rũ" nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami (Thiên Chiếu Đại Thần) đang tự giam mình trong hang và nhấn chìm thế giới vào bóng tối.
3 báu vật thiêng của hoàng gia Nhật Bản được cất giữ ở nơi bí mật và không ai có thể nhìn thấy - Ảnh: SOHU
Sau đó, nữ thần trao cho cháu trai của bà là Ninigi-no-Mikoto 3 thần khí gồm tấm gương, viên đá quý cùng một thanh kiếm được tìm thấy trong cơ thể của một con rắn 8 đầu khi Ninigi-no-Mikoto được đưa tới trần gian để bình định Nhật Bản.
Truyền thuyết kể rằng 3 báu vật thiêng này được truyền lại cho chắt trai của Ninigi-no-Mikoto là Jimmu (Thần Vũ) - hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản.
Một biên niên sử vào thế kỷ 8 chép lại rằng Jimmu trở thành hoàng đế vào thế kỷ 7 TCN, nhưng có một số nghi vấn về sự tồn tại của ngài.
Tấm gương, được gọi là Yata-no-Kagami, hiện được cất giữ tại đền Ise Grand, địa điểm linh thiêng nhất trong tôn giáo Thần Đạo của Nhật Bản ở tỉnh Mie.
Thanh kiếm, được gọi là Kusanagi-no-Tsurugi, được cất giữ tại đền Atsuta Shrine ở tỉnh Aichi. Cả tấm gương và thanh kiếm đều được cất giữ tại khu vực miền trung Nhật Bản.
Cả 3 báu vật đều có nguồn gốc từ truyền thuyết nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami - Ảnh minh họa: Alamy
Báu vật còn lại là viên đá quý, được gọi là Yasakani-no-Magatama, được cất giữ trong hoàng cung ở thủ đô Tokyo.
Trong nghi lễ kế vị diễn ra ngày 1-5, tân Nhật hoàng sẽ được trao bản sao của viên đá quý và thanh kiếm. Các báu vật gốc vẫn sẽ được cất giữ tại các đền ở Nhật Bản. Trong khi đó, tấm gương không nằm trong số các báu vật xuất hiện tại buổi lễ nhưng sẽ được kế tục nằm một phần trong truyền thống kế vị của Hoàng gia Nhật.
Là những vật thiêng liêng, các báu vật trên luôn được cất giữ trong hộp và không ai được nhìn thấy, thậm chí gồm cả Thiên hoàng.
Hình minh họa tấm gương thiêng Yata-no-Kagami - Ảnh: BBC/Daviessurya
Các thành viên trong hoàng cung và các học giả cũng không thấy được chúng, do đó các chuyên gia tin rằng không ai biết chính xác hình dạng của 3 báu vật này.
Các ghi chép xa xưa từng đề cập tới một vị hoàng đế cố mở chiếc hộp chứa viên đá quý. Tuy nhiên, lúc đó khói trắng bốc lên khiến hoàng đế hoảng sợ, buộc ông phải ra lệnh đóng chiếc hộp.
Hình minh họa thanh kiếm thiêng Kusanagi-no-Tsurugi - Ảnh: BBC/Daviessurya
Tuy nhiên, các chuyên gia đã lần ra manh mối dựa trên những chiếc gương được làm từ thế kỷ 4 và 5 khi tổ tiên của hoàng đế nắm giữ quyền lực ở Nhật Bản.
Hình minh họa viên đá quý Yasakani-no-Magatama - Ảnh: BBC/Daviessurya.
Naoya Kase, một phó giáo sư tại Đại học Kokugakuin, cho rằng tấm gương thiêng được cho là làm từ đồng thiếc, với các thiết kế phức tạp được chạm khắc ở một mặt của gương và lớn hơn những tấm gương cổ xưa mà người ta khai quật được (có đường kính từ 20-30cm).
Còn viên đá quý được làm từ nhiều hạt ngọc có hình dạng dấu phẩy. Trong khi đó, thanh kiếm không phải là một vật trang trí, mà là vũ khí thực tiễn với lưỡi kiếm bằng sắt.
Nguồn: BÌNH AN, tuoitre.vn
Link: https://tuoitre.vn/bi-an-bao-trum-3-bau-vat-thieng-cua-hoang-gia-nhat-20190430101813859.htm