SAC DEP HOA ANH DAO

Cách Hàn Quốc và Nhật Bản phân loại rác

Tin tức tổng hợp Cập nhật 27 tháng 12 932 lượt xem

Quy định phân loại rác từ hộ gia đình tại Nhật Bản và Hàn Quốc rất nghiêm ngặt, người vi phạm thậm chí có thể bị phạt tiền.

Ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với các tiêu chuẩn phân loại rác nghiêm ngặt nhất thế giới, hoạt động phân loại và tái chế rác đã được thực hiện suốt nhiều năm, trở thành kỹ năng sinh tồn cơ bản của người dân.

Quy định về phân loại và tái chế rác ở các vùng khác nhau của Nhật Bản phần lớn tương tự nhau: Có thời gian cố định để xử lý từng loại rác; Việc xử lý những rác thải lớn cần được đặt chỗ trước và trả phí; Xả rác bừa bãi có thể bị phạt tiền nặng, thậm chí ngồi tù.

Những chiếc thùng chuyên chứa những loại rác thải khác nhau được đặt trên đường phố Nhật Bản. Ảnh: Flickr.

Những chiếc thùng chuyên chứa những loại rác thải khác nhau được đặt trên đường phố Nhật Bản. Ảnh: Flickr.

Ví dụ như tại quận Shibuya, thủ đô Tokyo, để xác định các loại rác thải, người dân đầu tiên cần tham khảo bảng phân loại rác. Rác thải sinh hoạt về cơ bản được chia thành các loại rác dễ cháy, không cháy, tài nguyên và rác thải lớn.

Rác không cháy được, không thích hợp để đốt và nghiền, bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô cùng các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc. Vì không thường xuyên tìm thấy rác không cháy nên tần suất đưa vào quy trình tái chế của chúng khá thấp, thường là mỗi tháng một lần.

Rác thải tài nguyên, bao gồm các loại chai nhựa, báo, tạp chí, bìa các-tông, thường được thu gom một tuần một lần. Theo phương pháp phân loại mới nhất, đèn thải có chứa thủy ngân cũng được xếp vào danh mục tài nguyên.

Thay vì trộn lẫn rác thải tài nguyên với nhau, nhà chức trách tiến hành làm sạch, phân loại, đóng gói. Cụ thể hơn, nắp chai nhựa và giấy gói thường được loại bỏ và xếp vào hàng rác thải dễ cháy, chỉ giữ lại phần thân chai để tái chế. Người dân cũng được khuyến cáo rửa bình trước khi bỏ nhằm ngăn cặn nước uống hoặc sữa tạo ra mùi khó chịu.

Việc xử lý các rác thải kích cỡ lớn, chủ yếu là đồ đạc dài trên 30 cm cần được đặt trước và phải trả phí. Ví dụ một chiếc sofa đơn có chi phí xử lý là 7,67 USD, sofa đôi là 19,18 USD. Theo trang web của chính quyền quận Shibuya, việc vứt bỏ một chiếc máy giặt mất đến 23,82 USD.

Xả rác bừa bãi được gọi là hành vi "đổ rác bất hợp pháp" và có thể bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc phạt tiền 10 triệu yen (hơn 95.900 USD) tại Nhật. Các công ty có thể bị phạt tới 100 triệu yen (gần 959.100 USD) vì hành vi đổ chất thải công nghiệp trái phép.

Trong sinh hoạt, rác dễ cháy là phổ biến nhất, bao gồm rác thải nhà bếp khô, giấy, quần áo cũ, cành cây, lá cây... Về cơ bản, rác nào có thể đốt đều là rác dễ cháy, thường được tái chế hai lần một tuần trong các túi trong suốt hoặc sáng màu.

Người dân Nhật Bản thường đựng rác thải vào túi và đặt bên ngoài nhà để xe tải từ công ty vệ sinh đi thu gom, vậy nên, trong hầu hết các trường hợp, họ không đặt thùng rác trước nhà.

Nếu người thu gom rác phát hiện rác bị phân loại không phù hợp hoặc không đúng thời gian xử lý, họ có quyền từ chối tiếp nhận, đồng thời dán phiếu ghi cách phân loại rác nhằm nhắc nhở các hộ dân thực hiện đúng cách.

Một trạm trung chuyển rác ở đảo Jeju, Hàn Quốc, nơi các loại rác thải khác nhau được xử lý riêng biệt. Ảnh: CGTN.

Một trạm trung chuyển rác ở đảo Jeju, Hàn Quốc, nơi các loại rác thải khác nhau được xử lý riêng biệt. Ảnh: CGTN.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đề ra luật yêu cầu từng loại rác thải phải được đựng trong những túi riêng từ năm 1995. Về cơ bản, túi đựng rác gồm ba loại chính, gồm túi rác thải tái chế được, túi dành cho thực phẩm và túi rác thường (dành cho những loại rác không có khả năng tái chế). Tương tự Nhật Bản, những rác thải có kích thước lớn thì không có túi đựng và khi vứt phải trả phí.

Tuy nhiên, không phải túi nào cũng vứt rác được mà phải tuân thủ quy định riêng của từng khu vực, quận và thành phố, chẳng hạn người dân hoàn toàn có thể bị phạt nếu mang túi của khu Gangnam đến Songpa-gu để vứt.

Mặt khác, quy trình phân loại rác cụ thể cũng rất phức tạp. Ví dụ, quần áo phải được để trong túi riêng. Giày phải để theo đôi, buộc vào với nhau hoặc để từng đôi riêng biệt. Rác tái chế luôn phải làm sạch trước khi vứt, chai nhựa thì cần bóc nhãn và tháo nắp, giống như Nhật Bản.

Đảo rác Pulau Semakau nhìn từ trên cao. Ảnh: NEA.

Đảo rác Pulau Semakau nhìn từ trên cao. Ảnh: NEA.

Về quy trình xử lý rác, Singapore là một điển hình. Với nhược điểm quỹ đất hạn chế, Singapore luôn phải nỗ lực để tìm ra các giải pháp xử lý rác tối ưu. Một trong số những thành tựu nổi bật là "đảo rác" giữa đại dương Pulau Semakau với tổng diện tích khoảng 3,5 km2, sức chứa lên tới 63 triệu m3, hoạt động từ năm 1999.

Nhờ công nghệ xử lý tiên tiến, "đảo rác" Semakau không chỉ đảm bảo vệ sinh mà còn duy trì được hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Nhìn từ bên ngoài, trông nó không khác gì một khu du lịch xanh với hai khu rừng ngập mặn bao quanh.

Theo dự tính ban đầu, đảo rác Semakau có thể đủ đáp ứng nhu cầu chôn rác của Singapore tới năm 2040 nhưng với lượng rác thải tăng lên nhanh chóng, nơi này được dự báo sẽ "hết chỗ" vào năm 2035.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải, Singapore còn có sáng kiến biến rác thành điện. Singapore hiện có 4 nhà máy điện từ rác thải, mỗi nhà máy đốt được hơn 1.000 tấn rác mỗi ngày.

Nguồn: Vũ Hoàng, vnexpress.net (Theo Xinhua, CGTN, Reuters)