Ngày 20/12/2018
Một người phụ nữ vừa có sắc lại vừa có tài như Công nương Masako của Hoàng gia Nhật Bản nhưng lại phải sống cuộc sống bí bách, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Ngày 9/12/1963, ngài cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế, Hisashi Owada và vợ đón chào cô con gái nhỏ xinh xắn, đáng yêu và đặt tên là Masako Owada. Có lẽ khi đó, cả hai vợ chồng ông Owada đều không tưởng tượng được rằng con gái nhỏ của mình mai này lớn lên sẽ làm dâu hoàng gia và trở thành vị công nương, góp phần thay đổi ít nhiều lịch sử của hoàng gia Nhật Bản.
Vì công việc của ông Hisashi Owada nên khi mới 2 tuổi, cô bé Masako đã theo chân gia đình ra nước ngoài sinh sống. Masako học mẫu giáo ở trường mầm non tại thủ đô Moscow (Nga) sau đó được chuyển về học trường tiểu học tư thục dành cho nữ sinh ở thủ đô Tokyo.
Ngày 9/12/1963, ngài cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế, Hisashi Owada và vợ đón chào cô con gái nhỏ xinh xắn, đáng yêu và đặt tên là Masako Owada. Có lẽ khi đó, cả hai vợ chồng ông Owada đều không tưởng tượng được rằng con gái nhỏ của mình mai này lớn lên sẽ làm dâu hoàng gia và trở thành vị công nương, góp phần thay đổi ít nhiều lịch sử của hoàng gia Nhật Bản.
Vì công việc của ông Hisashi Owada nên khi mới 2 tuổi, cô bé Masako đã theo chân gia đình ra nước ngoài sinh sống. Masako học mẫu giáo ở trường mầm non tại thủ đô Moscow (Nga) sau đó được chuyển về học trường tiểu học tư thục dành cho nữ sinh ở thủ đô Tokyo.
Những hình ảnh Masako (bên trái) khi còn nhỏ.
Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, cô bé Masako mê thể thao, yêu thích động vật và có lần đã thổ lộ ước mơ trở thành bác sĩ thú y.
Khi ông Hisashi nhận lời làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Harvard, Masako lại tiếp tục chuyển sang sinh sống, học tập ở Mỹ. Với sự thông minh vượt trội của mình, Masako từng là chủ tịch Hội Danh dự quốc gia (National Honor Society) khi học Trung học tại Massachusetts (Mỹ).
Masako (giữa) rất đam mê học tập và có ý chí mạnh mẽ.
Khi bước chân vào bậc đại học, Masako vẫn chứng tỏ được bản lĩnh và sự xuất sắc của mình. Tài hùng biện của cô thì không ai sánh được. Masako đam mê học tập, có ý chí mạnh mẽ. Một bạn học của Masako từng chia sẻ rằng hầu như chẳng bao giờ thấy Masako khóc cả. Cô ấy ăn nói rất khéo, có thể thích nghi với bất kỳ ai, bất kỳ môi trường nào. Chính vì vậy, Masako đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Nhật hiện đại, thông minh, xinh đẹp và cực kỳ duyên dáng.
Masako tốt nghiệp loại ưu ở ba trường đại học: khoa Kinh tế Đại học Harvard, từng học tại trường Balliol thuộc Đại học Oxford và nhận được bằng luật của Đại học Tokyo. Với những thành tích học tập đáng nể, những tấm bằng loại ưu của các trường đại học danh tiếng, cùng việc thông thạo 6 thứ tiếng: Nhật, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, không khó để Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp rồi được lựa chọn là nữ Bộ trưởng đầu tiên của một bộ ở Nhật. Khi làm việc ở Bộ ngoại giao, Masako từng đảm nhiệm vai trò phiên dịch viên cho một số lãnh đạo thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Ngoại trưởng Mỹ James A. Baker III và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Masako là người yêu thể thao, âm nhạc và các hoạt động ngoài trời như tennis, trượt tuyết hay đi bộ đường dài. Ngoài ra, Masako còn từng tham gia một đội thi đấu vật.
Tuổi thanh xuân của Masako có thể nói là yên bình và đầy tươi đẹp cùng những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, thậm chí bà hoàn toàn có thể mơ về một ngày trở thành nữ chính trị gia kiệt xuất.
Thế nhưng, cuộc đời Masako Owada đã rẽ sang một hướng khác khi bà quen biết Thái tử Naruhito.
Vào một ngày đẹp trời tháng 10/1986, trong bữa tiệc tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha, Thái tử Naruhito, con trai cả của Nhật hoàng Akihito, vô tình nhìn thấy Masako Owada cùng cha mẹ đến dự tiệc và không thể dời mắt trước vẻ ngoài xinh xắn cùng sự thông minh, trong sáng của cô gái trẻ ấy. Hoàng tử ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình với Masako, có lần ông thừa nhận rằng nàng có thể "khiến cho người ta dễ chịu và quên mất khái niệm thời gian".
Trong bữa tiệc hôm đó có khoảng hơn 30 cô gái được đánh giá là thông minh, xuất sắc, có tư chất nhất nước Nhật cũng được mời đến dự tiệc, thực chất là để hoàng thái tử Naruhito có điều kiện lựa chọn. Tên tuổi của các cô gái này đã được lên thành một danh sách, kèm theo đầy đủ sơ yếu lý lịch. Cái tên Masako Owada được ai đó thêm vào giờ chót bằng nét viết tay nguệch ngoạc. Tuy nhiên, chẳng cần ai thêm vào thì thái tử cũng đã tự "đổ gục" trước vẻ đẹp của Masako. Vị vua tương lai bắt đầu quyết tâm chiếm trọn trái tim nàng.
Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi nhưng chính Thái tử Naruhito cũng không ngờ phải mất tới 6 năm ông mới rước được nàng về dinh.
Khi công chúng biết về mối quan hệ giữa Thái tử Naruhito và Masako thì nổ ra những tranh cãi về ông ngoại của Masako - Yutaka Egashira, người từng là lãnh đạo công ty dính líu đến bê bối xả chất độc vào nước.
Bên cạnh đó, chính Masako cũng hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của cuộc sống bên trong cung điện Hoàng gia. Với Masako, việc trở thành công nương tương lai là một điều không mấy thú vị và đầy bất an, vậy nên, thay vì vui vẻ đón nhận tình cảm của vị hoàng đế tương lai, cô vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp của riêng mình và 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử Naruhito.
Sau khi từ chối lần cầu hôn đầu tiên của thái tử, Masako sang Anh học 2 năm ở Balliol College, Oxford, rồi trở về nước làm người chuyên viết diễn văn cho thủ tướng Nhật. 5 năm trôi qua, Thái tử Naruhito lại tiếp tục ngỏ lời cầu hôn nhưng câu trả lời ông nhận được vẫn là cái lắc đầu.
Theo cuốn sách "Công nương Masako - người tù của ngai vàng Nhật" của nhà báo Úc Ben Hills, do không ưa Masako, Cục Quản lý Hoàng gia (Kunaicho) đã thúc giục Thái tử Naruhito cưới cô gái khác làm vợ, song yêu cầu này liên tục bị ông khước từ.
Bước sang tuổi 33, Thái tử trở thành người độc thân nhiều tuổi nhất trong lịch sử vương triều Nhật. "Thái tử chỉ đắm đuối Masako, không yêu bất cứ cô gái nào khác. Ngài nói với đức vua, nếu không cưới được Masako, ngài sẽ không cưới ai cả", Ben Hills viết. Trước sự quyết tâm của Thái tử, Kunaicho phải cử người vận động cha mẹ Masako thuyết phục con gái lấy Thái tử Naruhito.
Năm 1992, sau những lời khuyên bảo từ cha mẹ, cuối cùng Masako đã gật đầu chấp thuận lời cầu hôn lần thứ 3 với lời thề sắt son của Thái tử: "Có thể em lo sợ khi về làm dâu hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời, bằng tất cả khả năng của mình". Bên cạnh đó, Thái tử cũng bảo đảm với hôn thê rằng sẽ tìm cách hiện đại hóa cuộc sống vương triều, tìm cho nàng vai trò nhà ngoại giao hoàng gia. Nhưng không giống như những cái gật đầu làm vợ chàng trai thường dân nào đó, Masako gật đầu đồng nghĩa với việc cô chấp nhận làm nàng dâu của Hoàng gia Nhật, rũ bỏ cuộc sống thường dân để chịu sự ràng buộc khắt khe của vương triều có 2.600 năm lịch sử.
Cuối cùng, tình yêu thủy chung, sâu sắc của Thái tử Naruhito cùng với sức ép từ phía gia đình đã khiến cho người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đồng ý từ bỏ sự nghiệp còn dang dở của mình để trở thành Công nương của Nhật bằng một đám cưới giản dị vào ngày 9 tháng 6 năm 1993.
Đám cưới của cặp đôi diễn ra trong sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân. Và người ta hoàn toàn có lý do chính đáng cho tất cả sự phấn khích ấy bởi Masako là người phụ nữ thông minh và thành đạt nhất từng kết hôn với thành viên Hoàng gia Nhật.
Hình ảnh đám cưới của cặp đôi Hoàng gia Nhật Bản.
Theo một số nguồn tin, trước khi lễ cưới diễn ra, Thái tử phi Masako đã phải trải qua một lớp học kéo dài 62 tiếng đồng hồ về những quy chuẩn như cách đi bộ, cách cúi chào đúng phong thái của Hoàng gia. Masako là người dân thường thứ 2 trở thành thành viên gia đình Hoàng gia Nhật, sau mẹ chồng bà là Hoàng hậu Michiko.
Sau lễ cưới không xe ngựa hay đoàn tùy tùng, không tặng phẩm và tuần trăng mật, Thái tử Naruhito cùng Thái tử phi Masako đã có cuộc sống hôn nhân khá êm đềm, hạnh phúc. Sau đám cưới, người ta vẫn thấy Masako xuất hiện trong sự kiện ngoại giao, bà tự tin ngồi giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại quốc yến thiết đãi lãnh đạo nhóm G7. Bà trò chuyện bằng tiếng Anh với ông Clinton, tiếng Nga với ông Yeltsin và tiếng Pháp với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Thái tử và Thái tử phi cũng cùng tham gia các chuyến đi đáng nhớ, như ghé thăm Trung Đông hai lần vào năm 1994 và 1995, tham dự đám cưới của Thái tử Bỉ vào năm 1999.
Cứ ngỡ rằng dù bước chân vào gia đình hoàng gia đầy lễ giáo nhưng Masako vẫn sẽ được phát huy tài năng của mình nhưng cuối cùng người ta lại phải thất vọng tràn trề khi bà trở thành một "con chim hoàng yến bị giam trong lồng sơn son thếp vàng".
Trong 3 năm đầu sau khi kết hôn, công nương Masako rất hiếm khi rời khỏi Hoàng cung, bà chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần. Bà phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý Hoàng gia Nhật, tất cả mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư với báo giới. Chưa hết, ngay sau ngày kết hôn, Masako đã mất quyền công dân và bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử. Ai cũng biết rằng Hoàng gia Nhật có những lễ nghi nghiêm khắc và Công nương Masako không được tự do quyết định chuyện gì. Bà luôn phải mặc lễ phục Hoàng gia gồm 6 áo kimono nặng đến 20kg và phải thay trang phục cũng như lựa chọn màu áo theo quy định. Bà chỉ được cất lời nếu chồng cho phép, khi muốn ra phố phải được đồng ý trước 15 ngày và tuyệt đối không được đi một mình.
Bên cạnh đó, áp lực lớn nhất đè nặng lên vai Công nương Masako là phải sinh quý tử nối dõi. Năm 1999, sau 6 năm kết hôn, bà mới mang thai nhưng lại bị sảy và mãi đến tháng 12/2001, bà mới sinh hạ được cô con gái đầu lòng là Công chúa Aiko. Công chúa Aiko rất đáng yêu, nhưng theo luật lệ của Hoàng gia Nhật, con gái không được phép kế thừa ngai vàng.
Tháng 12/2001, Masako sinh hạ cô con gái đầu lòng là Công chúa Aiko.
Cuộc sống nghiêm ngặt trong cung cấm, nhất là không thể sinh hoàng nam để sau này nối dõi đã đẩy Công nương Masako vào tình trạng trầm cảm triền miên. Công nương Masako còn bị dân chúng "quay lưng" và liên tục có những lời đồn thổi không hay.
Cuộc sống tù túng lại phải đối mặt với căn bệnh khó chữa, Masako dường như không còn điểm tựa nào nữa nhưng may mắn bà vẫn còn có chồng bên cạnh. Thái tử đã giữ đúng lời hứa năm xưa, ông luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ người vợ mà báo chí gọi là "Vương phi u sầu".
Thái tử Naruhito từng vấp phải rất nhiều lời chỉ trích và khiển trách từ Hoàng gia Nhật vì công khai chuyện vợ mình đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm vào năm 2004. Ông cho rằng sự khắc nghiệt và áp lực của cuộc sống Hoàng gia đã "tàn phá" cá tính và sự năng động vốn có của Công nương Masako. Năm 2004, Thái tử Naruhito thậm chí còn gây bất hòa với cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động Hoàng gia vì cho rằng họ đã "chối bỏ sự nghiệp và tính cách" của Công nương Masako.
Gia đình công nương Masako
Năm 2008, ông đã trực tiếp lên tiếng bày tỏ mong muốn người dân Nhật thấu hiểu và ủng hộ Công nương Masako trong lúc bà đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm. Thái tử cho rằng bà Masako đang nỗ lực hết sức với sự giúp đỡ của những người xung quanh. Thái tử biết vợ mình đã cố gắng làm mọi thứ có thể để thích ứng với môi trường Hoàng gia, và chính việc này thực sự khiến bà trở nên kiệt sức.
Hình ảnh gia đình Hoàng gia Nhật.
Thái tử nói: "Trong suốt 10 năm qua, Masako - người đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn cùng tôi - đã làm mọi điều có thể để thích ứng với môi trường hoàng gia. Điều đó khiến cô ấy kiệt sức. Masako vẫn tiếp tục cố gắng hết sức để trợ giúp những người xung quanh mình". Sau đó, người dân Nhật Bản đã gửi hàng loạt email đến Kunaicho, bày tỏ niềm thông cảm với Thái tử phi và thể hiện sự tức giận với cơ quan này.
Ngày 1/12/2017, Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi cho biết ông dự định năm 2019 sẽ từ bỏ Ngai vàng Hoa cúc vì tuổi cao sức yếu. Khi kế vị vào ngày 1/5/2019, Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako sẽ phải đảm đương trọng trách lớn hơn với cương vị Nhật hoàng và Hoàng hậu, cũng như tăng cường xuất hiện ở nhiều sự kiện hơn nữa.
Miiko Kodama, một giáo sư tại Đại học Musashi, cho rằng việc Công nương Masako trở thành Hoàng hậu có thể trở thành "bước ngoặt" đối với bà, giống như mẹ chồng. Bởi Hoàng hậu Michiko, một cô gái thường dân đầu tiên kết hôn với người thừa kế ngai vàng Nhật Bản, ban đầu cũng từng không hạnh phúc do bị áp lực trong những ngày đầu kết hôn, nhưng sau đó bà vẫn hoàn thành tốt vài trò của mình.
"Khi Công nương Masako trở thành Hoàng hậu, vị thế của bà ấy đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ lắng nghe bà ấy hơn. Khi không còn nhiều người đặt áp lực không cần thiết lên bà ấy, tôi cho rằng tình trạng của bà ấy sẽ được cải thiện", giáo sư Kodama nhận định.
Nhà báo Midori Watanabe, giáo sư tại Đại học Bunka Gakuen (Nhật Bản) nói: "Điều quan trọng là hai người họ ở bên nhau. Ông ấy (Thái tử Naruhito) đã hứa sẽ bảo vệ Công nương trong suốt cuộc đời. Tôi cho rằng bà ấy sẽ nỗ lực vì chồng".
Nguồn: https://cafebiz.vn/cong-nuong-xinh-dep-masako-cua-hoang-gia-nhat-ban-noi-sau-cua-con-chim-quy-bi-nhot-chat-trong-long-son-2018122013384926.chn
(Theo Helino)