Ngày 09/02/2021
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, trong hơn 900 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam tham gia trả lời khảo sát, có hơn 400 doanh nghiệp có ý định tiếp tục đầu tư để mở rộng các chức năng như: sản xuất hàng hóa thông dụng, hàng hóa có giá trị cao bán hàng, kho vận và nghiên cứu; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác.
Ngoài ra, có 16,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới. Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư gần đây không chỉ là công nghiệp chế tạo, chế biến mà còn có cả chuyển đổi số, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao…
Dây chuyền sản xuất thiết bị ly hợp điện từ cho máy in và các thiết bị chính xác khác của
Nhà máy NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Lý do các doanh nghiệp định hướng mở rộng hoạt động tại Việt Nam là khả năng tăng doanh thu tại thị trường nội địa, tăng doanh thu nhờ mở rộng sản xuất và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn cao trong những năm tới", ông Hirai Shiji, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại TP Hồ Chí Minh cho hay.
Bên cạnh việc mở rộng đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang xem xét việc thiết lập lại một số chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như thay đổi đơn vị thu mua hoặc lựa chọn lại địa điểm sản xuất; trong đó, 18,8% doanh nghiệp cho biết sẽ chọn đơn vị cung ứng của Việt Nam sau khi thay đổi, cao nhất trong số 20 quốc gia châu Á, châu Đại Dương được khảo sát. Nếu có dịch chuyển địa điểm sản xuất, 18,1% doanh nghiệp chọn Việt Nam, sau Thái Lan (20%).
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng, có lợi thế về tình hình chính trị - xã hội ổn định và chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như tốc độ tăng lương tối thiểu cao, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, hệ thống thuế, thủ tục thuế, thủ tục hành chính phức tạp... Điều này làm phát sinh thời gian và chi phí thừa do các thủ tục khác nhau gây cản trở hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp trông đợi hệ thống thủ tục thuế, hành chính sẽ được cải thiện theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp coi trọng việc tuân thủ quy định có thể dễ dàng hoạt động.
Cùng với hoàn thiện chính sách, doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng thu mua linh kiện, vật liệu tại chỗ. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư mới và doanh nghiệp cũ mở rộng đầu tư, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện nhanh khả năng cung ứng nội địa. Hiện nay, mức thu mua linh kiện, vật liệu Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản mới đạt 37%, tương đương với Malaysia nhưng thấp hơn nhiều so với Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Báo cáo của JETRO cho thấy, trong năm tài chính 2020 (tháng 4/2020 - 3/2021), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 52,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thông báo suy giảm lợi nhuận so với năm 2019 và 29,4% doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định; 17,8% số doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021 nhờ khả năng kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.
Theo VTV
Link: https://vtv.vn/kinh-te/gan-47-doanh-nghiep-nhat-ban-dinh-huong-mo-rong-san-xuat-tai-viet-nam-20210209084342289.htm