Ngày 6/2/2021
Ninja được coi là tích hợp nhiều kỹ năng võ thuật.
Ninja, hay còn gọi là Shinobi, là danh xưng để chỉ những cá nhân hay tổ chức đánh thuê chuyên về hoạt động bí mật từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản từ thời kỳ Kamakura đến thời kỳ Edo Tokugawa. Các chức năng của ninja bao gồm gián điệp, phá hoại, xâm nhập, ám sát, thậm chí có thể tham gia tập kích đối phương trong một vài trường hợp. Do tính chất bí mật của môn phái nên gần như không ai biết rõ hoặc biết rất ít về nguồn gốc của Ninja.
Ban đầu, từ “ninja” không được sử dụng phổ biến, mà do đặc thù bí mật và tính ngôn ngữ địa phương, rất nhiều các danh xưng khác nhau để mô tả ninja nhưng “shinobi” là danh xưng được sử dụng nhiều nhất. Shinobi được dùng để chỉ cho nam giới lẫn nữ giới. Tuy vậy, các shinobi nữ còn được gọi là kunoichi, có nghĩa là “người phụ nữ”. Khi người Phương Tây bắt đầu tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, nhất là từ sau Thế chiến thứ hai, họ thường dùng từ “ninja” do nó ngắn gọn, dễ nói, dễ nhớ hơn đối với người Phương Tây. Từ đó, danh xưng “ninja” trở nên phổ biến hơn cả ở Nhật Bản lẫn trên thế giới.
Trên thực tế, ninja và môn võ thuật mà họ theo học xuất hiện cách đây 800 năm. Ở Nhật Bản thời phong kiến, ninja là một nhóm chiến binh ở “đẳng cấp” thấp thường được các samurai và lãnh chúa cai trị tuyển dụng để làm gián điệp.
Thật khó để xác định sự xuất hiện của ninja đầu tiên, và sau tất cả, mọi người trên khắp thế giới luôn gọi họ là những gián điệp và sát thủ. Văn hóa dân gian Nhật Bản nói rằng ninja xuất thân từ một con quỷ nửa người nửa quạ. Thế nhưng, một số ghi chép cho rằng, ninja bắt đầu phát triển thành một thế lực đối nghịch với những người đương thời thuộc tầng lớp thượng lưu của Nhật là samurai thời phong kiến đầu tiên.
Theo ghi chép lịch sử, ninjutsu thường được gọi là chiến lược và chiến thuật trong chiến tranh du kích và hoạt động gián điệp được thực hiện bởi các ninja. Ninjutsu là một môn học riêng trong một số trường học truyền thống của Nhật Bản, trong đó đang được nghiên cứu về sự tích hợp từ võ thuật lâu đời của xứ sở Phù Tang như shurikenjutsu, kenjutsu, sojutsu, bojutsu (liên quan đến các kỹ năng phóng phi tiêu, kiếm, vật, nhào lộn)…
Danh xưng “ninja” trở nên phổ biến hơn cả ở Nhật Bản lẫn trên thế giới.
Sau hàng chục năm trời khổ luyện, các ninja sẽ sở hữu những kỹ năng chiến đấu mà hiếm có đội quân nào trên thế giới có thể đạt được đỉnh cao như họ: di chuyển trên/dưới mặt nước, ẩn thân trong bóng tối, thành thạo kĩ năng hóa trang bậc thầy và tàng hình. Về sau, một tài liệu bí mật đã giải thích được vì sao các ninja lại có được các khả năng chiến đấu phi thường như vậy.
Nói về thuật di chuyển trên mặt nước, bí mật chính là ở các đôi giày của họ: các đôi giày da bơm đầy khí. Từ những kiến thức đã nhọc công luyện tập để có thể tạo thế thăng bằng trên mặt nước cùng đôi giày “có phép” này, trong mắt người thường, Ninja có thể di chuyển trên mặt nước nhẹ như không. Về thuật ẩn dưới nước (độn thủy), thực chất, các ninja đã sử dụng các ống sậy rỗng làm ống thở.
Ngoài ra, với các nhiệm vụ đòi hỏi sự bí mật cao, họ thở dưới nước bằng một túi da chứa đầy khí. Còn bí mật về thuật tàng hình của ninja không ở đâu khác chính là ở cách sử dụng các loại bom khói. Khi gặp tình huống nguy cấp, họ tung các loại mù này vào đối phương và sử dụng khả năng di chuyển nhanh nhẹn của mình để “tàng hình”.
Về kỹ năng bay của ninja, nhiều người nhìn từ xa trong bóng tối ngỡ rằng các ninja huyền thoại có thể... bay nhưng thực chất, với khả năng chạy, leo trèo nhẹ nhàng, thoăn thoắt, các ninja có thể nhảy từ vị trí rất cao. Thêm nữa, việc sử dụng một loại dù nhỏ cùng màu với không gian hoạt động (như dù màu đen trùng với màn đêm) khi nhảy cũng khiến cho nhiều người hiểu lầm là họ có thể bay. Về thuật độn thổ, đây là thuật cần sự hỗ trợ của thuật tàng hình.
Sau khi sử dụng bom khói, các ninja sẽ nhanh chóng thay đổi y phục để ngụy trang với không gian hoạt động. Giả sử, nếu muốn độn thổ ở trong rừng, các ninja sẽ sử dụng các bộ đồ màu đất hoặc trùng với màu xanh của cây rừng. Với khả năng nín thở siêu việt cùng sự di chuyển nhanh nhẹn, họ có thể đột nhiên “biến mất” trước mắt đối phương.
Để thực hiện được những chiến thuật cực kỳ khó này, các ninja không chỉ cần đến những bộ quần áo ngụy trang, sự di chuyển nhẹ nhàng, họ còn cần đến đầu óc phán đoán nhanh nhạy và bản lĩnh chế áp đối phương.
Một số thủ lĩnh ninja là những samurai bị thất sủng như Daisuke Togakure đã thua trong trận chiến hoặc đã bị lãnh chúa từ bỏ nhưng bỏ trốn thay vì tự sát. Tuy nhiên, hầu hết các ninja bình thường không đến từ giới quý tộc. Thay vào đó, các ninja cấp thấp là dân làng và nông dân đã học chiến đấu bằng mọi cách cần thiết để tự bảo vệ mình, bao gồm cả việc sử dụng nghệ thuật tàng hình và thuốc độc để thực hiện các vụ ám sát.
Do đó, các thành trì ninja nổi tiếng nhất là các tỉnh Iga và Koga, hầu hết được biết đến với các trang trại nông thôn và các ngôi làng yên tĩnh. Phụ nữ cũng có thể trở thành ninja. Các ninja nữ thâm nhập vào các lâu đài của kẻ thù trong vỏ bọc của các vũ công, phi tần hoặc người hầu là gián điệp rất thành công và đôi khi còn đóng vai trò làm sát thủ. Các lãnh chúa thường thuê ninja để làm việc cho mình và ninja được trả công xứng đáng cho công việc của họ.
Các ninja trở thành một thế lực riêng trong thời kỳ hỗn loạn giữa năm 1336 và 1600. Trong bầu không khí chiến tranh liên miên, các kỹ năng ninja rất cần thiết cho tất cả các bên, và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong Chiến tranh Nanbukucho (1336-1392), Chiến tranh Onin (những năm 1460) và Sengoku Jidai, nơi họ hỗ trợ lãnh chúa trong các cuộc nội chiến. Ninja là một công cụ quan trọng trong Thời kỳ Sengoku (1467-1568), nhưng cũng tạo thành một ảnh hưởng gây bất ổn.
Khi lãnh chúa Oda Nobunaga nổi lên và bắt đầu thống nhất Nhật Bản vào năm 1551-1582, ông thấy các thành trì ninja tại Iga và Koga là một mối đe dọa. Do đó, ông nhanh chóng đánh bại lực lượng ninja Koga, nhưng Nobunaga gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bại ninja ở Iga.
Sau này, Nobunaga đã tấn công ninja của Iga với một lực lượng áp đảo gồm hơn 40.000 người. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Nobunaga vào Iga đã buộc các ninja phải chiến đấu liên tục, và kết quả là họ đã bị đánh bại và phân tán đến các tỉnh lân cận và vùng núi Kii.
Tuy căn cứ bị phá hủy nhưng ninja không biến mất hoàn toàn, một số người đã phục vụ Tokugawa Ieyasu, người trở thành tướng quân vào năm 1603, và vẫn tiếp tục phục vụ cả hai bên trong các cuộc đấu tranh khác nhau. Trong một sự kiện nổi tiếng từ năm 1600, một ninja đã lẻn qua một nhóm những người bảo vệ Tokugawa tại lâu đài Hataya và cắm cờ của đội quân bao vây cao trên cổng trước.
Đây cũng là thời kỳ (từ năm 1603-1868) đã mang lại sự ổn định và hòa bình cho Nhật Bản, và khiến sự tồn tại của ninja mờ nhạt dần. Mặc dù vậy, các kỹ năng, truyền thuyết và sự thần bí của ninja vẫn tồn tại và được tô điểm để làm sinh động các bộ phim, trò chơi, truyện tranh và là một mô hình văn hóa để phát triển du lịch tại Nhật Bản ngày nay.
Nguồn: https://baophapluat.vn/4-phuong/giai-ma-nhung-bi-thuat-cua-ninja-nhat-ban-571613.html