SAC DEP HOA ANH DAO

Giáo viên Nhật Bản chịu áp lực vì vi-rút corona

Tin tức tổng hợp Cập nhật 16 tháng 09 764 lượt xem

Giáo viên Nhật Bản chịu áp lực vì vi-rút corona

Giáo viên ở Nhật Bản có số giờ làm việc dài nhất so với các nước khác. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy trong năm 2018, giáo viên cấp 2 ở Nhật Bản làm việc trung bình 56 tiếng/tuần, nhiều nhất trong 48 nước và nền kinh tế. Hiện nay, với sự xuất hiện của vi-rút corona, giáo viên còn phải chịu áp lực nhiều hơn.

Thầy Muro Taichi dạy cấp 2 nằm trong số những người cảm thấy áp lực. Thầy phụ trách môn khoa học xã hội tại một trường do thành phố duyên hải Toyama quản lý. Trước khi có vi-rút corona, thầy thường dạy 1 lớp buổi sáng, 1 lớp buổi chiều, sau đó hướng dẫn câu lạc bộ cầu lông của trường. Khi xong việc cũng là lúc hết giờ làm chính thức, thầy còn phải làm nốt công việc giấy tờ văn phòng và phải chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau. Có những hôm, hơn 8 giờ tối thầy mới ra về, và 1 tháng thầy thường phải làm hơn 80 tiếng ngoài giờ.

Muro Taichi 

Thầy Muro Taichi dạy cấp 2 thấy ngày làm việc vốn đã dài bây giờ thêm căng thẳng vì vi-rút corona.

Khi vi-rút corona bùng phát, khối lượng công việc của thầy Muro tăng lên. Thầy phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi-rút, bao gồm giám sát để đảm bảo phòng học và hành lang không bao giờ quá đông người. Ngày nào thầy cũng phải sát khuẩn bàn của học sinh, và cả lau chùi nhà vệ sinh. Trước khi có vi-rút, việc lau chùi nhà vệ sinh là nhiệm vụ của học sinh, nhưng giờ là trách nhiệm của giáo viên nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở học sinh.

Thầy Muro cũng lo học sinh sẽ bị chậm chương trình vì trường học phải đóng cửa hồi đầu năm. Vào tháng 2, Thủ tướng Abe Shinzo đã đề nghị tất cả trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trên cả nước tạm thời đóng cửa. Trường của thầy Muro mở cửa trở lại vào tháng 6, lúc đó môn nào các em cũng đều bị chậm 20 tiết.

Để giúp học sinh kịp hoàn thành chương trình, trường rút ngắn thời gian nghỉ Hè từ 37 ngày xuống chỉ còn 10 ngày, nhưng vẫn không đủ để học bù cho hàng tháng trời nghỉ học.

Thầy Muro nói rằng nếu dạy nhanh lên, thì một số em sẽ càng tụt lại hơn. Để giúp các em này, thầy đã tự soạn giáo trình và tờ bài tập để các em củng cố kiến thức. Khi câu lạc bộ cầu lông hoạt động trở lại, thầy Muro lại càng bận hơn.

Thầy nói: "Đôi khi tôi phải đến trường vào cuối tuần để chấm bài học sinh nộp. Nếu nói là không cảm thấy áp lực hay căng thẳng thì sẽ là nói dối".

Toilet cleaning

 Thầy Muro phải lau chùi nhà vệ sinh, 1 biện pháp phòng ngừa vi-rút.

Theo khảo sát hồi tháng 7 của Hội liên hiệp Giáo viên ở tỉnh Toyama, hơn 80% giáo viên nói rằng khối lượng công việc gia tăng sau khi vi-rút corona bùng phát, phần lớn là do những việc phát sinh họ phải thực hiện để phòng ngừa lây nhiễm.

Giáo sư Sakuma Aki của Đại học Keio, chuyên gia về quản lý giáo dục, cho biết: "Vi-rút corona đã khiến giáo viên có lúc kiệt sức vì các trường vốn đã thiếu nhân lực từ trước rồi". Cô cho rằng giải pháp là thuê thêm người, nhưng cũng thừa nhận rằng việc này không dễ dàng.

Cô nói: "Chế độ cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên cần phải linh hoạt hơn để những người từng làm giáo viên dễ quay lại làm việc hơn. Và chúng ta cần nỗ lực hơn để thu hút nhân lực ngoài ngành giáo dục".

Chính phủ trung ương đang hỗ trợ tài chính cho các trường để thuê thêm nhân viên tiến hành các biện pháp phòng dịch, nhưng thực tế các vị trí như vậy khó tuyển được người.

Trong khi đó, giáo viên như thầy Muro Taichi đang làm việc cả ngoài giờ… như thầy là tới tận 100 tiếng ngoài giờ trong tháng 7. Thầy cho biết đang làm hết khả năng, và nói: "Càng đầu tư công sức chuẩn bị cho tiết học, thì học sinh càng học tích cực hơn. Còn nếu giáo viên quá bận, không đủ thời gian và sức lực khi giảng dạy thì học sinh sẽ cảm nhận được ngay".

Nguồn: nhk.or.jp