Ngày 15/06/2017
Ikebana xuất hiện cách đây hơn 600 năm khi những nhà sư Nhật Bản bắt đầu có thói quen cắm hoa trên bàn thờ Phật. Thói quen này sau đó được áp dụng trong những căn phòng tatami (phòng được lót bằng loại chiếu tatami truyền thống của Nhật), bình hoa ikebana được đặt ở một góc căn phòng gọi là tokonoma. Trang trí hoa quanh không gian sinh sống chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc, thế nhưng theo năm tháng, nó dần được lan rộng tới tầng lớp thường dân.
Ngày nay, có đến hơn 15 triệu người dân Nhật Bản luyện tập thực hành và thưởng thức nghệ thuật ikebana. Vào năm 1956, một số phụ nữ Mỹ sinh sống ở Nhật muốn truyền bá tình yêu đối với ikebana đến người Mỹ, họ lập ra hội cắm hoa ikebana quốc tế. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện nay đã có mặt trên 50 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật ở tất cả mọi người là như nhau, không hề có biên giới ngăn cách.
Có rất nhiều trường dạy ikebana khác nhau ở Nhật Bản, mỗi trường theo một trường phái cắm hoa riêng. Như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, học viên phải học từ những kiến thức và kỹ năng cơ bản để lấy nền tảng vững chắc. Sau đó qua nhiều năm luyện tập, kỹ năng cắm hoa được phát huy, học viên có thể tự sáng tạo ra phong cách cắm hoa của riêng mình.
Ikebana không chỉ là một môn nghệ thuật đơn thuần. Nó hàm chứa triết lý sống rất sâu sắc, được thể hiện qua cách cắm hoa. Ví dụ, nguyên vật liệu dùng để cắm hoa hoàn toàn lấy từ tự nhiên, chỉ cần cắt cành hoa một lần là thời gian sống của chúng đã bị giới hạn đi rất nhiều. Như nghệ nhân Tetsunori Kawana – một bậc thầy về ikebana – từng dạy: “Bản chất của tự nhiên là hoàn hảo. Việc chúng ta đang làm là lấy những thứ đã hoàn hảo ấy và thổi vào chúng một nguồn sống mới”. Bằng tình yêu và lòng tôn kính đối với tự nhiên, nghệ nhân cắm hoa phải cố gắng tạo ra một thứ gì đó có thể tự toát lên vẻ đẹp của nó. Dù là một đòi hỏi khá cao nhưng các nghệ nhân ikebana luôn phấn đấu để đạt được trình độ này.
Khi cắm hoa với nhiều nguyên liệu khác nhau, nghệ nhân sẽ bắt đầu ngộ ra rằng mỗi cây hoa đều có bản chất riêng biệt. Một số có thể được uốn cong dễ dàng, số khác lại cứng nhắc và đầy gai. Thời gian sống của mỗi cây hoa khi cắm vào nước cũng rất khác nhau. Biết được những bản chất này chính là một phần bí quyết để thành công trong một tác phẩm ikebana.
Ở trường dạy ikebana, các học viên được sử dụng các dụng cụ như dây, kẹp, đinh ghim, băng dán để hỗ trợ cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, họ được nhắc nhở rằng những đồ vật ấy cũng chỉ là công cụ và chỉ được giữ vai trò là công cụ mà thôi. Thông qua thành phẩm, học viên có cơ hội kể lên những câu chuyện, kích thích trí tưởng tượng và bày tỏ cảm xúc của mình.
Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên lệ thuộc vào công nghệ, ikebana là một phương pháp hữu hiệu nhằm giúp ta quên đi thế giới kỹ thuật số ấy. Chúng ta không muốn và cũng không cần phải lệ thuộc vào công nghệ. Ikebana cho phép ta kết nối và hòa mình vào thế giới tự nhiên, đó cũng là một phương tiện nhằm thể hiện năng lực bản thân mình.
Nguồn: https://phununhatban.com/culture/hoa-minh-vao-thien-nhien-cung-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban.html