Ngày 23/01/2018
Đối với những người mẹ Nhật, việc chuẩn bị bữa cơm trưa cho con cái họ mang đến trường là điều vô cùng quan trọng. Những nắm cơm hình gấu trúc, những quả trứng cắt hình mèo Hello Kitty…tất cả chúng tạo nền một hộp cơm đầy nghệ thuật và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ khi mang đến trường.
Tuy nhiên, chính văn hóa chuẩn bị cơm cho trẻ nhỏ đầy chu đáo như vậy lại đang tạo nên một hệ quả ngược lan tràn trong xã hội Nhật Bản, qua đó tác động tiêu cực đến những bà mẹ và con nhỏ của chính họ.
Tại Nhật Bản, những hộp cơm, hay còn gọi Bento, bao gồm một vài món ăn nhất định được nấu sẵn và sắp xếp trong hộp. Loại ẩm thực này rất phổ biến ở Nhật và được bày bán tràn lan mọi nơi, từ ga tàu điện cho đến những cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, phần lớn các bà mẹ Nhật thường chuẩn bị Bento cho con cái hoặc chính bản thân họ một cách cẩn thận.
Lịch sử của Bento có thể truy về từ cuối thời kỳ Kamakura (1185-1333) khi cơm nắm hay thức ăn khô được chế biến trong hộp để hành quân xa hoặc mang đi đường dài. Đến thời kỳ Minh Trị (1868-1912), cơm hộp bắt đầu được thương mại hóa và bày bán trên thị trường, như tại các trạm xe lửa, bến tàu… nhằm đáp ứng nhu cầu lao động khi họ phải làm việc tại các công trường xây dựng.
Vào những năm 1912-1926, Bento trở thành một dạng mặt hàng xa xỉ khi chúng được bày bán trong những hộp đựng sáng bóng, đẹp đẽ. Với sản lượng lương thực thấp, việc các học sinh có Bento thường là hình ảnh cho sự giàu có, dư thừa thức ăn. Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ II, việc Nhật Bản thua trận đã khiến trường học thực hiện phân phát thực phẩm cho học sinh thay vì để mọi người chuẩn bị Bento.
Đến ngày nay, Bento đã trở thành loại thực phẩm phổ biến không chỉ tại Nhật mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Thông thường, những món ăn trong Bento thường được trang trí thành những nhân vật hoạt hình, truyện tranh hay thú cưng nhằm gây bắt mắt và tạo cảm hứng ăn cho trẻ nhỏ. Dần dần, loại hình ẩm thực này bắt đầu lan tràn trên khắp thế giới, nhất là tầng lớp thượng lưu những năm gần đây, trở thành một loại văn hóa riêng với tên gọi "Kawaii".
Tuy vậy, chính sự bùng phát văn hóa này lại đang đem lại mặt trái khi các bà mẹ đua nhau chuẩn bị những Bento cầu kỳ, tốn thời gian công sức cho trẻ nhỏ để khoa trương tài năng, lòng yêu thương, sự giàu có hay đơn giản là tình thương của mình với con cái.
Trên mạng xã hội ngày nay, rất nhiều hình ảnh ông bố bà mẹ chuẩn bị những bữa cơm hộp cho con một cách xinh xắn, qua đó nhận lại vô vàn lời tán thưởng. Điều này càng thúc đẩy các bậc phụ huynh, nhất là ở Nhật Bản chú trọng hơn cho việc làm Bento.
Xã hội Nhật Bản khá chú trọng đến đạo đức và các mối quan hệ xã hội. Bởi vậy, việc hòa đồng với xã hội trở thành nhiệm vụ của hầu hết mọi người dân Nhật dù đôi khi họ không thích những luật lệ đã đặt ra.
Câu chuyện với Bento cũng tương tự, việc chuẩn bị hộp cơm cho con nhỏ của các bà mẹ Nhật hiện đã trở thành biểu tượng cho tình thương con. Không có bậc phụ huynh nào muốn con mình phải buồn khi ăn một hộp cơm chuẩn bị kém hơn các bạn ở trường. Tư tưởng này đã ăn sâu vào văn hóa Nhật, khiến Bento không còn là hộp cơm mà còn thể hiện chính bản thân cha mẹ của học sinh đó. Tình yêu thương, sự giàu có, tài năng… đều được xã hội Nhật nhìn nhận qua hộp cơm Bento.
Kể từ đây, cuộc chạy đua Bento bắt đầu khi không có ông bố bà mẹ nào muốn để con mình phải kém cạnh cũng như không muốn mang tiếng. Thông thường việc chuẩn bị một hộp cơm Bento mất khoảng 20-45 phút nhưng chúng được các bậc phụ huynh Nhật nâng lên đến hàng giờ đồng hồ, nhất đối với các gia đình giàu có.
Các bà mẹ phải sưu tầm công cụ, thiết kế, cách làm món ăn mới sao cho hộp cơm của con họ trở nên bắt mắt và xứng tầm ở trường học. Thậm chí nhiều người còn quay trực tiêp cách làm Bento cầu kỳ trên mạng như một thú vui xa xỉ.
Tất nhiên, trông những hộp cơm rất bắt mắt và là một niềm vui cho các bà mẹ cũng như trẻ nhỏ, nhưng chúng sẽ biến tướng thành gánh nặng khi bậc phụ huynh phải dậy từ 4-5 giờ sáng, chuẩn bị món ăn, quay phim cách làm và nhận những lời bình phẩm từ mọi người.
Theo tác giả Makiko Itoh của cuốn "The Just Bento Cookbook: Everyday Linches to Go", nhiều trường hợp Bento đã trở thành một bài kiểm tra của các trường học với gia đinh trẻ nhỏ xem con của họ có đáng được nhận vào trường hay không.
Trong khi đó, Giáo sư Anne Allison của trường đại học Duke nhận định việc phân hóa trẻ em thông qua Bento đã khiến nhiều trẻ nhỏ bị kỳ thị và xa lánh. Rất nhiều em nhỏ chỉ muốn bữa trưa qua thật nhanh vì không muốn bị giễu cợt.
"Những đứa trẻ bắt đầu bàn tán về hộp cơm mẹ làm cho tôi khi chỉ có một quả trứng và xúc xích trong đó. Họ cho rằng gia đình tôi rất nghèo, phán xét tôi và gia đình tôi. Điều đó thật phiền phức và đây quả là mặt trái của văn hóa Bento", chị Kyoko Sudo nhớ lại những ngày tháng ở trường.
Tuy nhiên chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những gia đình nước ngoài sinh sống ở Nhật. Chị Griseldis Kirsch, giáo viên hợp tác của trường đại học London ở Nhật, cảm thấy vô cùng bối rối khi con chị theo học một trường y tá ở đây năm 2005.
Ngôi trường y tá này cho học sinh ăn trưa theo kiểu Bento tự chuẩn bị và việc kém trang trí hộp cơm của chị Kirsch đã đem lại nhiều rắc rối. Rất nhiều lần con chị đã bị giáo viên hỏi thăm chỉ vì hộp cơm không đẹp. Bản thân chị Kirsch cũng nhận được khá nhiều cuộc gọi từ giáo viên bởi họ lo lắng chị không quan tâm đến con.
Điều tương tự cũng xảy ra với chị Patricia Morghetti, người Brazil sống tại Nhật. Chị Morghetti đã phải xem các trang hướng dẫn làm Bento và cố gắng hết mức có thể để tuân theo quy tắc kỳ lạ tại Nhật.
"Tôi phải làm nắm cơm giống hình gấu trúc bởi nếu không, chắc chắn con gái tôi sẽ bị bạn bè cười nhạo", chị Morghetti than thở.
Nguồn: AB, Theo Thời Đại