SAC DEP HOA ANH DAO

Lớp trung niên độc thân sống tầm gửi vào cha mẹ ở Nhật

Văn hóa Nhật Cập nhật 14 tháng 03 771 lượt xem

Ngày 22/4/2017

Một thế hệ người Nhật được gọi là "những kẻ độc thân tầm gửi" đang lo lắng về tương lai của mình nếu một ngày cha mẹ họ qua đời.

lop-trung-nien-doc-than-song-tam-gui-vao-cha-me-o-nhat

Hiromi Tanaka, 54 tuổi, đang sống chật vật nhờ vào tiền lương hưu của mẹ và việc dạy hát tại nhà. Ảnh: Reuters

Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu Thống kê, vào năm 2016, khoảng 4,5 triệu người Nhật, tuổi từ 35 đến 54, vẫn sống cùng cha mẹ.

Hiện tượng này nhen nhóm khoảng hai thập kỷ trước khi dư luận bắt đầu chú ý tới những người trẻ độc thân ăn bám cha mẹ để có một cuộc sống vô lo vô nghĩ và không có gánh nặng trách nhiệm.

Nhưng bây giờ, khi mà tuổi xuân đã trôi qua, họ trở thành những ông bà trung niên không lương hưu, không tiết kiệm và không công ăn việc làm.

Những người này tạo thêm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản vốn đang oằn mình trước sức ép từ dân số già hóa và lực lượng lao động giảm sút.

Bà Hiromi Tanaka, từng hát bè cho một nhóm nhạc pop, vẫn tỏ ra lạc quan.

"Tôi quen với tình trạng sống bấp bênh này và bằng cách nào đó tôi vẫn sống tốt", bà Tanaka nói với hãng tin Reuters khi bà đang ngồi bên chiếc đàn piano trong một căn phòng nhỏ bên trong một ngôi nhà cũ thông sang nhà của mẹ bà ngay kế bên.

Giờ khi đã bước sang tuổi 54, bà sống chật vật nhờ vào tiền lương hưu của mẹ và việc dạy hát tại nhà với số lượng học viên ngày càng ít ỏi. Bà Tanaka không có lương hưu và cũng đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm.

"Sau khi cha tôi mất vào năm ngoái, lương hưu giảm còn một nửa", bà nói. "Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thế thì tôi và mẹ sẽ nguy to".

Bà Tanaka là một ví dụ điển hình của một thế hệ "những người độc thân cả đời" ở đất nước mặt trời mọc. Theo số liệu mới công bố trong tháng này, số lượng những người như bà đã lên tới mức kỷ lục vào năm 2015. Cụ thể là trong số những người ở độ tuổi 50, cứ 4 người đàn ông thì có một người không lập gia đình và con số này ở phụ nữ là 1/7.

"Trong suốt thời kỳ kinh tế bong bóng cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, những người trẻ ở độ tuổi 20 thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình. Họ nghĩ họ sẽ kết hôn khi ngoài 30", nhà xã hội học Masahiro Yamada làm việc tại trường Đại học Chuo danh tiếng ở Tokyo và cũng là tác giả của cụm từ "những kẻ độc thân tầm gửi" cho biết.

"Nhưng 1/3 trong số họ, hiện đã bước vào độ tuổi 50, không bao giờ kết hôn", Yamada tiếp tục.

Hiện tượng này không chỉ góp phần dẫn đến tình trạng dân số giảm và tỉ lệ sinh thấp ở Nhật mà còn làm ảnh hưởng tới mức tiêu thụ hàng hóa của xã hội khi gia đình trẻ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Khoảng 20% số người trung niên ở Nhật độc thân, thất nghiệp ở nhà và sống phụ thuộc vào cha mẹ đang đè nặng lên hệ thống an sinh xã hội.

"Khi mà họ tiêu hết số tài sản thừa kế và tiền tiết kiệm và chẳng còn gì, họ sẽ sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ", Yamada nói.

Theo các chuyên gia, số người lảng tránh kết hôn tăng cao một phần do lối sống hiện đại, một phần do công việc ngày càng bấp bênh với đồng lương ít ỏi.

Số lượng người làm các công việc bán thời gian, thời vụ và hợp đồng chiếm tới gần 40% tổng lực lượng lao động. Con số này chỉ khoảng 20% vào những năm 1980.

"Thực tế là ngày càng có nhiều người mặc dù muốn kết hôn nhưng không thể vì lý do kinh tế", nhà kinh tế học Katsuhiko Fujimori làm việc tại Viện Nghiên cứu và Thông tin Mizuho nhận định.

Một số người trước kia từng có công việc ổn định nhưng vì ốm đau bệnh tật hoặc do công ty cũ tái cơ cấu mà họ lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

"Khi bạn đã bị đào thải ra khỏi thị trường lao động, khó mà quay trở lại", Hirotoshi Moriyama, nhân viên của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ những người trung niên tìm việc làm, cho biết.

lop-trung-nien-doc-than-song-tam-gui-vao-cha-me-o-nhat-1

Ông Akihiro Karube đang sống cùng người cha 84 tuổi trong một khu nhà xã hội ở ngoại ô Tokyo. Ảnh: Reuters

Akihiro Karube, 53 tuổi, từng làm việc cho một công ty quảng cáo sau khi tốt nghiệp và khi bước vào độ tuổi 30, mức thu nhập của ông tại công ty này cao ngất.

Ông chuyển về sống với cha mẹ sau khi hôn nhân tan vỡ. Ông tự trả tiền nhà cho đến năm 43 tuổi, ông bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson.

Ông Karube đã cố gắng nhưng không thành công để tìm một công việc trợ giúp người cao tuổi. Ông cho biết giờ  sống nhờ vào lương hưu của cha mình và tiền trợ cấp cho người khuyết tật của bản thân.

"Tôi chỉ ước mình có thu nhập ổn định. Đó mới là điều quan trọng", ông nói.

Những người trung niên độc thân không chỉ sống tầm gửi vào cha mẹ mà họ còn ít khi ra ngoài, gần như sống thu mình lại, ít chịu tiếp xúc với bên ngoài.

Fuminobu Ohashi từng sống như vậy nhưng hiện giờ ông đang làm việc cho một nhóm hỗ trợ, nhóm này bắt đầu tổ chức các buổi thảo luận dành cho những ông bố bà mẹ lo lắng về tương lai của những đứa con như ông.

"Vấn đề là họ sẽ làm gì khi cha mẹ họ qua đời. Nó giống như quả bom nổ chậm vậy", Ohashi nói.

Nguồn: An Hồng, vnexpress.net

Link: https://vnexpress.net/lop-trung-nien-doc-than-song-tam-gui-vao-cha-me-o-nhat-3573671.html