SAC DEP HOA ANH DAO

Mất công việc mơ ước và bị bỏ rơi tại nhà ga

Tin tức tổng hợp Cập nhật 22 tháng 11 690 lượt xem

Thứ Sáu Ngày 6 tháng 11 năm 2020

Nguyen Dinh Thi đến Nhật Bản vào mùa Hè năm ngoái với một kế hoạch ấp ủ từ trước. Anh sẽ học nghề xây dựng, dành dụm tiền rồi về Việt Nam xây nhà cho gia đình. Chưa được 1 năm, anh phải ngủ vật vờ ở một ga tàu điện, sau khi bị nơi tiếp nhận bỏ rơi.

Anh Thi, 25 tuổi, đang là thực tập sinh kỹ năng tại một công ty xây dựng ở tỉnh Shizuoka thì đại dịch vi-rút corona bùng phát. Vào tháng 3, công ty yêu cầu anh ở nhà, và vào tháng 4, đoàn thể quản lý thực tập sinh yêu cầu anh thu dọn hành lý để đi Tokyo, và nói rằng đã bố trí chỗ ở cho anh ở đó.

Khi đến thủ đô, không có ai ra đón anh. Anh nhận ra mình đã thất nghiệp, không còn nơi nào để ở, trong một thành phố lạ lẫm.

Ban đầu, Thi đặt phòng tại các khách sạn, nhưng chẳng bao lâu thì anh hết tiền, cuối cùng anh phải ngủ trên sàn một nhà ga ở ngoại ô Tokyo.

Sau đó, anh nghe nói về Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản. Hiện nay, anh đang ở tại một cơ sở do hội điều hành.

Anh cho biết: “Tôi đã nghĩ là cuộc sống ở Nhật Bản sẽ khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ lại khó khăn đến thế này”.

nyh1buSsgt11ES4hArctSa2JZb6tmZ04CNh5MklJ

Thi đang ở tại cơ sở do Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận

hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản, điều hành.

Mái ấm nương thân

Đoàn thể quản lý thực tập sinh kỹ năng nước ngoài tại Nhật Bản phải được chính phủ cấp phép, và phải có trách nhiệm tìm việc làm mới cho thực tập sinh nào bị sa thải. Họ cũng phải giúp đưa thực tập sinh về nước nếu có nguyện vọng.

Nhưng vi-rút corona đã làm thay đổi mọi thứ. Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết có 3.627 thực tập sinh kỹ năng bị sa thải do tác động kinh tế của vi-rút corona, các đoàn thể quản lý thì nói là bị quá tải.

Nhân viên tại đơn vị quản lý anh Thi nói rằng họ không có ý định bỏ rơi anh. Họ nói với NHK rằng chỉ đơn giản là họ không biết về tình trạng tuyệt vọng của anh, cho đến khi nhận được liên lạc của Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật.

Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật cho biết đã tiếp nhận khoảng 30 thực tập sinh khác, những người cũng không biết đi đâu về đâu.

Cô Yoshimizu Jiho đứng đầu hội nói: “Nhiều thực tập sinh nước ngoài cảm thấy ngày càng khó khăn để sống sót qua ngày. Chúng tôi đã nhận được những cuộc gọi tuyệt vọng từ họ".

Chính phủ có nghĩa vụ giúp đỡ

Phó giáo sư Saito Yoshihisa tại Đại học Kobe là chuyên gia về các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Ông nói rằng khi xây dựng chương trình thực tập sinh kỹ năng, không ai lường trước được tình huống như đại dịch, và ông cho rằng chính phủ có nghĩa vụ giúp đỡ.

Ông nói: “Không nên để các tổ chức tư nhân giải quyết tình hình này. Chính phủ phải hỗ trợ các thực tập sinh kỹ năng, cả việc đảm bảo họ có nơi lưu trú cho đến khi về nước”.

Theo đơn vị quản lý anh Thi, họ đã đồng ý giúp anh về nước. Tuy nhiên, việc này sẽ mất thời gian, vì hiện có rất ít chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, và danh sách chờ còn rất dài. Thi đã trải qua 6 tháng bơ vơ, đến khi anh có thể về nước thì tất cả những gì anh còn là khoản nợ khoảng 1,3 triệu yên (12.400 USD) mà anh đã phải xoay sở để có tiền nộp chi phí đi Nhật.

Nguồn: Kamino Takehiro/ nhk.or.jp