Sau "shūkatsu - săn việc", giới trẻ Nhật Bản chuyển sang "konkatsu-săn vợ/chồng". Nam nữ độc thân tích cực đánh bóng bản thân nhằm "săn" được người như ý qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Họ bỏ bước yêu đương mà thẳng tiến tới hôn nhân.
Vốn dĩ, Nhật Bản cũng là quốc gia "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" như đa phần các nền văn hóa Đông Á. Nhưng khác với các nước còn lại mới chuyển sang "yêu đương tự do, hôn nhân tình nguyện" khoảng 100 năm trở lại đây, thế hệ trẻ tại Nhật nhảy vọt sang "cưới trước, yêu sau".
Konkatsu: Phụ nữ "săn" đàn ông có điều kiện thu nhập tốt
Nếu 10 năm trước, thanh niên Nhật Bản còn chỉ lo "shūkatsu-săn việc" thì giờ đây, họ "lọc lõi" ngay cả với "konkatsu-săn vợ/chồng". Nhờ sự phát triển vượt bậc của Internet, chuyện hẹn hò qua mạng trở nên đơn giản và phổ biến. Chỉ cần vài bước đơn giản, nam thanh nữ tú Nhật Bản độc thân dễ dàng khoe ra lợi thế của mình, đồng thời khoanh vùng được đối tượng mong muốn tìm kiếm.
Giới trẻ Nhật thoải mái với "hoạt động" săn vợ-chồng
Như phần đông các nền văn hóa phong kiến Đông Á, Nhật Bản cũng nặng tục lệ "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" và "môn đăng hộ đối". Bước sang thế kỷ 20 tự do tư tưởng, họ mới bắt đầu yêu đương, kết hôn trên cơ sở tự quyết. Tuy nhiên, dù có thôi "vâng lời cha mẹ" thì vẫn còn đó sự cân nhắc điều kiện tiến tới hôn nhân.
Trong các nước Đông Á, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất. Áp lực công việc và quan niệm xã hội "đàn bà nội trợ" khiến nữ giới Nhật Bản ngại kết hôn, hoặc có lấy chồng thì cũng muộn sinh con. Ngược lại, đàn ông Nhật tuy mang tiếng là trụ cột, song lại không có nhiều người đủ điều kiện tài chính nuôi sống gia đình.
Chỉ việc lập tài khoản konkatsu là đủ điều kiện "đi săn"
Nếu cứ mặc kệ nam nữ đơn thân Nhật Bản buông bỏ hôn nhân, xứ hoa anh đào sẽ chỉ toàn người già mất. Vì thế, Masahiro và Tōko liền đưa ra đề xuất "konkatsu" cho cánh chị em. Họ khuyến khích phụ nữ hãy để ý các đối tượng có thu nhập tương đương với mình. Lấy được họ là "gấp đôi thu nhập", đảm bảo cuộc sống hôn nhân không đến nỗi vất vả.
Đột ngột bị cánh chị em "bẻ lái", thành tự đánh bóng bản thân nhằm "câu cá lớn"
Sau đề xuất của Masahiro và Tōko, konkatsu trở nên phổ biến. Nhờ sách và chương trình truyền hình, nó len lỏi tới tận vùng nông thôn, miền núi, làng chài hẻo lánh. Số lượng các cặp vợ chồng "gấp đôi thu nhập" gia tăng.
Mục đích của Masahiro và Tōko là dùng konkatsu để hạ thấp điều kiện kết hôn của nữ giới, bởi người Nhật trọng quan niệm "đàn bà quán xuyến việc nhà". Phụ nữ khi kết hôn nhiều khả năng phải từ bỏ ước mơ, sự nghiệp, làm nội trợ toàn thời gian. Vì thế, cánh chị em có xu hướng lựa chọn đàn ông thu nhập cao, đảm bảo nửa đời sau không phải lo túng quẫn. Cái "mồi câu-gấp đôi thu nhập" khiến họ bị hấp dẫn mà hạ tiêu chuẩn tài chính xuống, mở rộng phạm vi đối tác kết hôn ra.
Chỉ là, chị em phụ nữ xứ sở hoa anh đào đã không chỉ học theo sách.
Phụ nữ Nhật Bản vốn là những người bị áp đặt bởi nhiều luật lệ cổ hủ, nhưng cũng là những người bứt phá quan niệm truyền thống triệt để nhất. Thay vì thuận theo konkatsu, phụ nữ Nhật Bản "bẻ lái" hết sức ngoạn mục: nhiều chị em tích cực tham gia các lớp học nấu ăn, làm vợ, biến mình thành đối tượng "đẳng cấp", đánh bật các đối thủ cạnh tranh.
Konkatsu không phải hẹn hò lãng mạn, mà là "săn". Nếu cánh phụ nữ dùng nó để "săn" đối tượng kết hôn, thì phía đàn ông cũng lợi dụng tìm kiếm đối tác như mong muốn. Trong cuộc chiến này chưa có chỗ trong tình yêu, chỉ là ai nhiều điều kiện tốt hơn, người đó thắng.
Cuộc đi săn thật sự, ít "vũ khí" là đừng mơ lấy được vợ/chồng
Tại Nhật Bản, từ sách hướng dẫn kết hôn đến mưu mẹo tiếp thị bản thân trên các trang dịch vụ konkatsu trực tuyến đều rất sẵn. Nếu các nền văn hóa khác quan tâm chỉ dẫn hẹn hò, "thả thính", thì Nhật Bản lại "mì ăn liền". Nam nữ độc thân không đặt nặng vụ "duyên phận" hay "định mệnh". Họ giải quyết việc tìm kiếm "một nửa" bằng cách lên mạng và chọn ra các đối tác tiềm năng.
Nhiều người không ngại gọi konkatsu là tiếp thị hôn nhân: mọi người giới thiệu kỹ lưỡng về bản thân, và "kẻ đi săn" chỉ việc nhấc ngón tay vài cái là có một danh sách "con mồi" đang chờ chinh phục. Nếu những năm 1990, người Nhật hãy còn lãng mạn "tôi sẽ một mình cho đến khi gặp được người định mệnh", thì giờ họ xác định rõ ràng mong muốn đối tượng kết hôn là người như thế nào, bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp, thu nhập ra sao…
Không ít nhà văn đã tỏ ra lo ngại, hôn nhân rồi sẽ đi về đâu? Nhưng các ứng dụng tìm kiếm người yêu, trang web hẹn hò thì ngày càng la liệt. Tất cả đều có thể tự do và đòi hỏi đặc quyền trong "thương vụ" kết hôn của mình.
Khi tự do hôn nhân "mở" không giới hạn, người Nhật cũng vô cùng thoải mái với các kiểu kết hôn hãy còn ít nhiều cấm kỵ, ví dụ như hôn nhân đồng tính. Theo một cuộc thăm dò dư luật của đài NHK năm 2019, 51% người được khảo sát đồng ý nên cho phép hôn nhân cùng giới. Trong đó, 70% nam giới và 80% nữ giới từ 40 tuổi trở xuống đề nghị chính phủ hãy hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Khi konkatsu trở nên thịnh hành, chính phủ Nhật Bản cũng có chút lo ngại mất "thuần phong mỹ tục". Song vì nó giải quyết thực trạng tỷ lệ sinh thấp, họ chuyển sang ủng hộ. Sau konkatsu, đất nước Mặt trời mọc thậm chí còn có "ninkatsu-săn thai", tức là cố gắng có thai bằng mọi cách.
Tham khảo Nippon
Nguồn: kenh14.vn