SAC DEP HOA ANH DAO

Nghệ thuật tranh khắc gỗ của Nhật Bản Ukiyo-e và lịch sử hình thành

Văn hóa Nhật Cập nhật 06 tháng 05 2070 lượt xem

Nghệ thuật tranh khắc gỗ của Nhật Bản Ukiyo-e và lịch sử hình thành

Nếu từng đặt chân đến đất nước Nhật Bản, chắc chắn có lần bạn đã được nhìn thấy Ukiyo-e, còn gọi là tranh phù thể, một loại tranh khắc gỗ truyền thống nổi tiếng trong vô vàn loại hình nghệ thuật của xứ sở Mặt Trời mọc.

Ukiyo-e là gì?

Ukiyo-e là một loại nghệ thuật tranh khắc khắc gỗ của Nhật Bản được ra đời trong khoảng thế kỷ từ 17 đến 20, trong đó mô tả những chủ đề về phong cảnh, những câu chuyện trong lịch sử, về các nhà hát hay các khu vui chơi giải trí. Đề tài trong Ukiyo-e thường là đề tài về hưởng thụ, với những cảnh chính diễn ra trong nhà hát, quán ăn, phòng trà và nhân vật chính thường là kỹ nữ, diễn viên, geisha hoặc là sumo…

Lịch sử của Ukiyo-e

Nghệ thuật tranh khắc gỗ của Nhật Bản ukiyo-e bắt nguồn từ thời kì Edo (1600-1868) dưới sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa, một thời kỳ mà nước Nhật có thể nói là tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cái tên Ukiyo-e bắt nguồn từ Ukiyo, với chữ uki nghĩa là “ưu” trong Phật giáo đã chuyển thành chữ uki nghĩa là “phù”.

Đó là một thế giới nơi mà con người chỉ quan tâm đến những thú vui hưởng lạc, thả trôi theo dòng đời. Ukiyo-e - đúng với cái tên của nó, là một hình thức nghệ thuật gắn liền với sự hưởng thụ, lấy đề tài là nhà hát, quán ăn, phòng trà, với nhân vật chính là các diễn viên và kỹ nữ.

Nhiều tác phẩm của các hoạ sĩ như Utamaro và Sharaku trên thực tế là những tấm hình quảng cáo cho các màn diễn mới ở nhà hát, hoặc chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng, các geisha được yêu thích…

Trong suốt nửa sau thế kỷ 17, hình thức hội hoạ này trở nên cực kỳ phổ biến ở trung tâm Edo, bắt đầu từ những tác phẩm đơn sắc sumizuri-e của Hishikawa Moronobu vào thập kỷ 70. Đầu tiên người ta dùng mực Ấn độ, sau đó dùng bút lông tô màu lên theo phương pháp thủ công. Mãi cho đến thế kỷ 18, Suzuki Harunobu mới phát triển phương pháp để tạo ra nishiki-e, tranh khắc gỗ màu.

Ban đầu Ukiyo-e chỉ là tranh vẽ nhưng đến thế kỉ XVIII thì tranh khắc gỗ với các đề tài ukiyo (là cách hình dung về cuôc đời như một cỗi phù sinh vô thường, do vậy cần tận hưởng nó trong từng khoảnh khắc) trở nên phổ biến, đến mức danh từ Ukiyo-e hầu như được dùng chỉ riêng loại tranh khắc gỗ như môt nghệ thuật mới dành cho đại chúng.

Nói tới các bậc thầy tiêu biểu của thể loại tranh này, không thể không nhắc đến Hokusai. Với di sản năm trăm tập tranh chứa tới 30.000 bức, Hokusai đúng là một con người cuồng họa như ông vẫn thường tự xưng: "Gakyojin" (họa cuồng nhân).

Hokusai xuất thân từ tầng lớp thủ công, là con của một người làm gương. Ông nghiên cứu kĩ thuật của các trường phái hội họa khác nhau ở Nhật Bản và cả tranh khắc Hà Lan. Phong cách của ông phần nào mang dấu ấn của hội họa phương Tây nhưng rồi sau nay chính tranh của ông lại tác động lại nền hội họa ấy.

Công đoạn hoàn thiện một bức Ukiyo-e

Một bản in Ukiyo-e muốn hoàn thiện phải trải qua khá nhiều công đoạn. Theo phương pháp truyền thồng thì cần ít nhất ba người để hoàn thành một tác phẩm. Đầu tiên, người họa sĩ phải vẽ một bản gốc bằng mực đen (sumisen). Người ta dựa vào đó tạo ra bản hanshita.

Bản này sau đó sẽ được thợ khắc horishi dán sấp vào một phiến gỗ và cắt bỏ những phần trắng, để lại bức hoạ ngược trên phiến gỗ gọi là sumiita. Nó dùng để in những đường viền đen. Bản đầu tiên gọi là kyogo-zuri sẽ được đưa cho hoạ sĩ để kiểm tra lại lần cuối và hoàn thiện bản khắc.

Nếu là tranh đen trắng thì đến đây có thể coi là hoàn thành. Còn nếu là tranh màu thì công việc mới chỉ bắt đầu. Những tấm iroita được tạo ra dựa trên bản khắc gỗ này, mỗi tấm sử dụng cho một mảng màu của tranh. Surishi tô màu lên những miếng gỗ dưới sự giám sát chỉ đạo của hoạ sĩ trước khi chúng được đưa vào sử dụng. Nguyên tắc in màu là đi từ màu sáng đến các màu tối hơn và từ những hoạ tiết nhỏ đến các hoạ tiết lớn.

Một vài nghệ sĩ và nhà in vẫn bị phạt vì sản xuất những tác phẩm Ukiyo-e mang tính gợi dục. Ngày nay, những bức tranh Ukiyo-e được bày bán rất nhiều trên đường phố Nhật Bản, trở thành quà lưu niệm đc du khách yêu thích. Sự mến mộ của du khách thập phương với loại hình nghệ thuật này đã góp phần cứu nghệ thuật tranh khắc gỗ của Nhật Bản Ukiyo-e khỏi đà diệt vong như thế.

Nguồn: http://www.monnhatban.com/vanhoa/thu-cong-nhat-ban/ukiyoe-nghe-thuat-tranh-khac-go-cua-nhat-ban-phan-1