Các biện pháp giải quyết hội chứng độc thân và cải thiện vai trò kép của phụ nữ trong xã hội có thể giúp tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản.
Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2015 cực thấp với chỉ 1.008.000 trẻ sơ sinh, trong khi đó số người chết là 1.302.000 người. Tình trạng già hoá dân số ở quốc gia này được ví như "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học.
Nhân khẩu học là vấn đề lớn tại Nhật Bản, nơi có tốc độ già hóa dân số đang đạt mức cao nhất thế giới.
Ảnh: AFP
1.Khủng hoảng
Tại Nhật Bản, áp lực công việc khiến phụ nữ thường gặp khó khăn khi đưa ra quyết định kết hôn và sinh con. Cách duy nhất để cứu nguy dân số là tạo điều kiện để ngày càng nhiều phụ nữ vừa làm việc vừa sinh con, bởi tư tưởng nuôi con là công việc của phụ nữ vẫn còn tồn tại ở đất nước mặt trời mọc.
Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố rằng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp là một phần trong chính sách kinh tế của ông. Trong bài phát biểu hồi tháng 9/2015, ông Abe cho biết Nhật Bản thông qua các biện pháp nhằm đối phó với tỷ lệ sinh thấp và sẽ tăng tỷ lệ sinh trung bình của mỗi người mẹ từ 1,4 (duy trì trong 25 năm qua) lên 1,8.
Theo Richard Jackson, chủ tịch Viện nghiên cứu Già hoá Toàn cầu, đây là mục tiêu "đầy tham vọng" nếu không nói là "ảo tưởng". Trên thế giới hiện chỉ có hai nước thực hiện được bước nhảy vọt này là Thụy Điển và Đan Mạch.
Tại Nhật Bản, tất cả các biện pháp can thiệp đều đang được áp dụng nhằm cứu vãn tình hình già hóa dân số và tăng tỷ lệ sinh. Một trong số đó là giải quyết hội chứng độc thân ở cả nam giới và nữa giới, khi họ ít quan tâm đến tình dục và các mối quan hệ tiến tới hôn nhân. Chính quyền một số địa phương còn tổ chức các sự kiện hẹn hò tốc độ để nhanh chóng ghép cặp.
Nhà chức trách lo ngại việc người dân Nhật sinh ít sẽ khiến lực lượng lao động giảm, tác động xấu tới nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nếu tình trạng tỷ lệ sinh thấp tiếp diễn, dân số đất nước mặt trời mọc sẽ giảm 30% vào năm 2060. Khi đó, cứ 5 người dân thì hai người sẽ trên 65 tuổi.
Áp lực công việc khiến phụ nữ Nhật thường gặp khó khăn khi đưa ra quyết định kết hôn và sinh con.
Ảnh minh hoạ: t okyoweekender.com
2.Giải pháp
Pháp và Mỹ đã điều chỉnh thành công vai trò kép của phụ nữ trong xã hội, đó là vừa làm mẹ vừa làm việc. Nhờ đó, họ vừa có tỷ lệ sinh cao hơn, vừa có nhiều nguồn nhân lực nữ đông đảo hơn.
"Để thành công trong sự nghiệp, bạn thường phải ở lại muộn và uống rượu với sếp. Một cặp vợ chồng không thể làm điều đó khi có con nhỏ, trừ khi chúng được các trung tâm chăm sóc trông đến 11h đêm, hoặc bạn rất giàu và có thể thuê bảo mẫu", Techinsider dẫn lời ông nói.
Theo Jackson, các nước có tỷ lệ sinh cao thường có hai mô hình phát triển.
Tại Pháp và Thụy Điển, nhân viên được đảm bảo công việc nếu nghỉ thai sản. Tại Pháp, chính phủ sẽ có "phụ cấp gia đình" nếu sinh con nhiều hơn. Người mẹ không bị phân biệt hay kỳ thị khi trở lại làm việc sau sinh và những đứa trẻ sẽ đi học tại nhà trẻ công.
Dù không có sự hỗ trợ của nhà nước, mô hình lao động linh hoạt của Mỹ có thể cho phép người dân hưởng lợi ích tương tự khi dễ dàng tìm việc làm, quay lại trường học, nhận bằng trực tuyến hay bắt đầu sự nghiệp mới. Dù mất chi phí cơ hội, điều này vẫn tốt hơn so tình trạng nghỉ và không thể quay lại làm việc như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Jackson cho rằng nếu áp dụng một trong hai mô hình trên, Nhật có thể nghiêng về hướng châu Âu. Mô hình lao động linh hoạt của Mỹ liên quan đến quá trình tự đổi mới và chủ nghĩa cá nhân, trong khi điều này dường như không phù hợp với văn hoá tập thể của Nhật.
Mô hình của Pháp hoặc Đan Mạch có thể ứng dụng ở Nhật Bản, nhưng nó đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng đối với các gia đình và chính sách nghỉ thai sản dành cho người mẹ.
Nguồn: zingnews.vn