Một phụ nữ trong độ tuổi 50 cho biết như sau: “Nếu việc này giúp giảm rác thải nhựa thì là việc tốt. Tôi thường vứt túi ni-lông đi, trừ khi dùng làm túi rác. Thế nên chắc chắn tôi thải ra nhiều rác nhựa”.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với thay đổi này. Đây là ý kiến của một nam giới: “Tôi cảm thấy có chút bất tiện vì phải tự mang túi khi mua đồ ở cửa hàng tiện lợi”.
Biển giải thích chính sách tính phí túi ni-lông tại Lawson
Tất cả các nhà bán lẻ được yêu cầu áp dụng chính sách tính phí, tuy nhiên có thể không thu phí nếu là túi phân hủy sinh học, tức là có thành phần nhiên liệu sinh khối có nguồn gốc thực vật (biomass) từ 25% trở lên.
Chuỗi cửa hàng cơm thịt bò Yoshinoya chọn cách làm này. Đồ ăn mang đi được đựng trong loại túi mới, có thành phần nhiên liệu sinh khối là 25%. Công ty cho biết mỗi năm sẽ cắt giảm 34 tấn đồ nhựa từ sản phẩm hóa dầu.
Yoshinoya cho biết loại túi này là lựa chọn sạch và an toàn để đựng đồ mang đi. Cửa hàng cũng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với khi phải hỏi từng khách có lấy túi tính phí hay không, đặc biệt khi số người gọi đồ mang về tăng lên do đại dịch vi-rút corona.
Người đại diện Terasawa Yuji của công ty cho biết như sau: “Chúng tôi cân nhắc đến sự an toàn và vệ sinh của khách hàng. Chúng tôi muốn khách hàng thấy an toàn khi dùng bữa, và đó là lý do chúng tôi đựng các suất ăn trong túi”.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2050, ngoài biển sẽ có rác thải nhựa nhiều hơn cá. Các số liệu của riêng Chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy để thực sự góp phần giải quyết vấn đề này, Nhật Bản cần làm nhiều hơn, chứ không chỉ dừng lại ở việc tính phí túi ni-lông. Bộ môi trường cho biết túi ni-lông dùng 1 lần chỉ chiếm khoảng 30% lượng rác thải nhựa của Nhật Bản.
Một số công ty tự tìm cách giải quyết vấn đề này. Năm ngoái, Lawson bắt đầu dùng cốc giấy thay cho cốc nhựa để đựng cà phê đá cỡ nhỏ.
Công ty cũng chuyển bao bì đựng sữa chua thương hiệu Lawson rất được yêu thích thành loại giấy. Lawson đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% lượng đồ đựng bằng nhựa so với năm 2017.
Người đại diện Sugiki Soya của Lawson nói như sau: “Nhựa không dễ phân hủy và gây hại cho môi trường. Chúng tôi muốn cải thiện tình hình của thế giới và chấp nhận thử thách, từ những thử thách nhỏ nhất”.
Việc Nhật Bản tính phí túi ni-lông là bước đi đúng hướng, tuy nhiên thay đổi thực sự sẽ phụ thuộc vào cam kết thay đổi thói quen sử dụng nhựa của từng cá nhân và công ty.
Theo:nhk.or.j