Ngày 04-01-2021
Phát biểu trong cuộc họp báo mừng năm mới hôm 4/1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính quyền của ông đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa. Thống đốc của cả 4 khu vực này đều đang thúc giục ông Suga ban bố tình trạng khẩn cấp khi số ca mắc liên tiếp gia tăng.
"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ không ngần ngại huy động đội ngũ y tế từ Lực lượng Phòng vệ nhật Bản", ông Suga nói thêm đồng thời cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ các cơ sở y tế để đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, Thủ tướng Suga chưa cho biết khi nào chính phủ sẽ dưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Lần đầu tiên Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp là mùa xuân năm 2020, khi số ca mắc ở quốc gia này tăng liên tiếp trong 1 tháng. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và trường học đã buộc phải đóng cửa.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà chức trách Nhật Bản đang bị giới hạn trong quyền trừng phạt những người vi phạm các lệnh giãn cách xã hội, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp. Chính phủ của ông Suga được cho là sẽ thay đổi điều này để buộc các chính quyền địa phương phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội phòng Covid-19.
Ông Suga, người trở thành Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 9 năm ngoái sau khi ông Shinzo Abe từ chức, đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình giảm mạnh trong những ngày gần đây mà một phần trong số đó bắt nguồn từ việc xử lý đại dịch của ông.
Hôm 3/1, Nhật Bản ghi nhận 3.150 ca mắc Covid-19 mới và 51 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 244.559 và số ca tử vong là 3.612. Khu vực Tokyo rộng lớn là một trong những nơi chịu ảnh hượng nặng nề nhất với 816 ca nhiễm mới trong ngày cuối tuần, đưa số ca mắc một ngày lên kỷ lục 1.337 trường hợp.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc biến thể virus corona có nguồn gốc từ Anh với khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Điều này khiến Nhật Bản thực hiện lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Số ca mắc Covid-19 mới ở Nhật Bản gia tăng những tuần gần đây một phần là do thời tiết mùa đông lạnh giá cũng như những mệt mỏi của người dân vì quá trình giãn cách xã hội kéo dài.
Là một trong những nước đầu tiên trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng chính phủ Nhật Bản đã thành công bước đầu trong việc ngăn chặn đại dịch bằng các ban hành các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, đầu tư vào việc truy vết cũng như thúc đẩy người dân thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nhiều quan chức chỉ trích phản ứng của chính quyền Suga là chậm chạp và khó hiểu. Chính phủ hiện tại, về cơ bản đang kêu gọi người dân cư xử đúng mực một cách tự nguyện. Ngoài ra, họ chẳng làm gì khác. Ông Suga đã bác bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hồi tháng 11, dẫn tới việc số ca mắc tăng gấp đôi kể từ thời điểm đó.
Giới chức Nhật Bản được cho là cảnh giác trong việc đưa ra tuyên bố giãn cách xã hội vì chúng có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Nguồn: Linh Anh, cafef.vn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị