Ngày 12/9/2017
Một người đàn ông đứng đọc sách bên cạnh một cửa hàng tiện dụng ở thủ đô Tokyo vào ngày 4/9. Ảnh: AFP.
Bồn cầu tự động sưởi ấm bệ ngồi, ghế tàu có thể xoay đủ 360 độ, cửa hàng tiện dụng mở 24/7 chỉ là một vài trong vô số sản phẩm và dịch vụ thể hiện triết lý coi trọng sự tiện dụng trong công năng của người Nhật, AFP đưa tin.
Du khách nước ngoài chuẩn bị đổ tới thủ đô Tokyo nhân Thế vận hội Olympics 2020 sẽ kinh ngạc trước sự sáng tạo không giới hạn của người Nhật để tạo ra sự tiện lợi trong đời sống hàng ngày.
"Chú ý tới cảm giác của những người xung quanh đã ăn sâu bám rễ trong văn hóa Nhật Bản", Kazuhiro Watanabe, chuyên gia phân tích xu hướng tiêu dùng của tập đoàn tư vấn Nikkei BP, lý giải ý nghĩa đằng sau việc người Nhật coi trọng đến từng tiểu tiết của sản phẩm và dịch vụ.
"Ở đây, chúng tôi luôn đoán xem khách hàng khao khát điều gì", Watanabe nhấn mạnh.
Vào buổi sáng, khi chuông đồng hồ báo thức kêu inh ỏi, mắt nhắm mắt mở, bạn bước vào phòng vệ sinh. Đèn trong phòng hoạt động theo cơ chế cảm ứng sẽ tự bật sáng, bệ ngồi của bồn cầu đã được sưởi ấm sẵn. Ngày mới bắt đầu với sự thoải mái vì ít nhất bạn không va "ống đồng" vào bệ xí vì quên bật công tắc đèn và không nổi da gà khi ngồi xuống bồn cầu lạnh ngắt.
Nếu bạn đang muộn giờ làm và không có thời gian nấu bữa sáng. Trên đường tới công sở, bạn có thể tạt vào một cửa hàng tiện lợi konbini có mặt ở khắp mọi nơi để mua đồ ăn sáng. Vừa thưởng thức bữa sáng, bạn vừa có thể tranh thủ thanh toán hóa đơn điện, nước tại đây.
Sau khi ra khỏi konbini, bạn rẽ vào một cây ATM để rút tiền, tiện thể mua luôn ô che mưa. Tiếp theo đó, bạn cần một lon cà phê giúp đầu óc tỉnh táo. Không cần tìm tiệm cà phê nào cả vì cứ vài trăm mét, sẽ có một máy bán hàng tự động bên lề đường bán đủ loại đồ uống. Nhật Bản có hơn hai triệu máy bán hàng tự động.
Một chiếc máy bán hàng tự động ở thị trấn thưa thớt dân cư Wakkanai, thuộc tỉnh Hokkaido, cực bắc Nhật Bản. Ảnh: Eiji Ohashi/ Japan Times.
Cuộc sống của một người dân Nhật Bản trong một ngày bình thường cho thấy sự tiện nghi xuất hiện ở mọi ngóc ngách.
Theo một khảo sát của chính phủ, 70% gia đình Nhật lắp đặt bồn cầu công nghệ cao với hàng chục nút bấm với đủ mọi chức năng như sưởi ấm chỗ ngồi, tự rửa và sấy khô sau khi sử dụng, xả nước cảm ứng, khử mùi, thậm chí còn có thể phát ra nhiều loại âm thanh để át đi những tiếng động "tế nhị". Tại nơi công cộng như trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi giải trí, trong mỗi buồng vệ sinh đều có giá đỡ cho trẻ sơ sinh nằm chờ trong khi bố mẹ đi "giải quyết nỗi buồn".
Nhiều nhà hàng ở Nhật Bản cho phép khách hàng chọn món ngay tại cửa khi còn chưa kịp bước chân vào bên trong. Các nhà hàng chu đáo chuẩn bị sẵn rổ để thực khách đặt túi, chuẩn bị khăn lau nóng hoặc lạnh, tùy theo mùa, và một cốc nước uống ngay khi khách hàng vừa ngồi xuống bàn ăn.
Trong khi đó, tại các ga tàu, nếu hành khách mang theo hành lý nặng có thể thuê dịch vụ chuyển phát hành lý với mức giá hợp lý và chỉ việc đi người không lên tàu. Ghế tàu có chức năng quay 360 độ sẽ giúp ai cũng có thể thưởng thức cảnh đẹp ở cả hai phía.
Hành khách đi tàu điện ngầm đang gửi hành lý ở tủ đồ tại ga Roppongi ở Tokyo vào ngày 4/9. Ảnh: AFP.
"Người Nhật rất thực dụng nên sự tiện nghi và công năng thiết thực được đặt lên hàng đầu", Muriel Jolivet, nhà nghiên cứu xã hội đã sống ở Nhật Bản hơn 40 năm, cho biết.
Và khi đẩy mọi thứ tới mức hoàn hảo nhất có thể, người Nhật sáng tạo ra những sản phẩm dịch vụ ngoài sức tưởng tượng, thậm chí, hơi kỳ quặc trong mắt nhiều người ví dụ như gối kiêm sách để nếu cảm thấy buồn ngủ trong khi đọc sách bạn có thể tranh thủ làm một giấc ngắn; hay áo phông gắn quạt mát vào mùa hè; và túi áo khoác mùa đông có chức năng sưởi ấm.
"Những sản phẩm như thế luôn có trên thị trường. Người Nhật Bản rất giỏi trong việc cải tiến các sản phẩm cũ hơn là tạo nên những thứ mới tinh từ đầu", Watanabe nói.
Nguồn: An Hồng, vnexpress.net
https://vnexpress.net/nhat-ban-thien-duong-cua-su-tien-nghi-3640322.html