Mizuho Iwai quyết tâm thực hiện giấc mơ trở thành đầu bếp sushi. Ảnh: AFP
Từ trước tới nay, việc chế biến sushi - món ăn truyền thống của Nhật Bản, trong nhà hàng thường do đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ bị hạn chế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản ngày càng cởi mở để nhiều phụ nữ nước này có thể thực hiện giấc mơ trở thành đầu bếp sushi.
Theo AFP, trước đây, phụ nữ không được “chào đón” trong lĩnh vực làm sushi, món ăn truyền thống mang đậm chất văn hóa và là niềm tự hào của người Nhật Bản. Bởi người Nhật quan niệm rằng tay của phụ nữ quá ấm để làm món ăn này nên dễ làm mất hương vị, hoặc nội tiết tố của họ thường xuyên thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận mùi vị. Không chỉ vậy, phụ nữ cũng được cho rằng không thể làm việc được nhiều giờ liên tục trong khi việc làm sushi đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Ông Fumimasa Murakami, giáo viên 54 tuổi tại Học viện Sushi Tokyo cho biết: “Không có số liệu chính thức về tỷ lệ giới tính của các đầu bếp sushi, song ước tính các nữ đầu bếp sushi chỉ chiếm dưới 10%. Thành kiến với các đầu bếp nữ vẫn còn tồn tại trong ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là sushi, món ăn truyền thống của đất nước này. Thậm chí, nhiều khách hàng cho biết không muốn thấy một đầu bếp nữ phía sau quầy làm sushi. Đặc biệt, những khách hàng lớn tuổi không thể chấp nhận điều đó”. Không chỉ vậy, nhiều người Nhật cũng quan niệm rằng phụ nữ chỉ nên đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi theo thời gian.
Mizuho Iwai là một nữ học viên đang theo học làm sushi tại một nhà hàng thuộc khu Ginza, nơi nổi tiếng với những nhà hàng sushi hàng đầu thế giới ở Thủ đô Tokyo. Mizuho Iwai cho biết: “Hầu như không có, hoặc có rất ít đầu bếp nữ trong các nhà hàng sushi. Dù vậy, sau khi bắt đầu thử làm sushi tại một nhà hàng nhỏ, tôi đã cảm thấy hứng thú với công việc này. Do đó, tôi quyết định mạo hiểm vì muốn chứng minh tôi có thể làm được và hiện tôi không hối hận về điều đó”.
Tại nhà hàng, Iwai không phải là học viên nữ duy nhất. Trước khi các nhà hàng phải đóng cửa tạm thời từ đầu tháng 4 vì dịch Covid-19, nhà hàng này đang đào tạo hai học viên nữ và 10 học viên nam khác. Công việc của một đầu bếp sushi rất cực nhọc và cần nhiều năm để có thể thành thạo. Những đầu bếp học việc cần phải học hỏi tất cả mọi thứ, từ tên của các loại cá khác nhau cho đến việc dùng dao làm cá và thái thịt sao cho đúng cách. Chính vì công việc vất vả nên nhiều người cũng cho rằng phụ nữ không thích hợp để làm đầu bếp sushi. Tuy nhiên, Iwai đang dần được các đồng nghiệp chấp nhận. “Họ không đối xử với tôi đặc biệt bởi vì tôi là phụ nữ. Họ chỉ dạy tôi như một người bình thường”, Iwai chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Akifumi Sakagami, bếp trưởng tại nhà hàng nơi Iwai theo học, điều kiện làm việc trước đây trong thế giới ẩm thực Nhật Bản rất khắc nghiệt khi đầu bếp phải làm nhiều giờ, với thù lao ít ỏi. Nhưng môi trường đang dần thay đổi, tốt hơn cho cả nam và nữ. Ông cũng cho rằng, để trở thành một “bậc thầy” sushi, điều quan trọng không phải là giới tính mà là năng lực, tài năng, đam mê và những nỗ lực mà một người sẵn sàng bỏ ra. Ông hưởng ứng những thay đổi tích cực trong xã hội Nhật Bản và hy vọng có thể đào tạo được nhiều phụ nữ theo học ngành này.
Trước đó, nhà hàng sushi Nadeshiko tại Thủ đô Tokyo từng gây nhiều tranh cãi khi toàn bộ đầu bếp tại đây đều là phụ nữ. Dù vậy, sau một thời gian hoạt động, Nadeshiko đã chứng minh được nhà hàng này không kém cạnh các nhà hàng sushi khác do nam giới đứng bếp. Ngày càng nhiều phụ nữ quyết tâm chinh phục giấc mơ sushi đang khiến những định kiến trong xã hội Nhật Bản dần được thay đổi, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vấn đề còn tồn tại sâu sắc tại “xứ sở mặt trời mọc”.
Nguồn: Vân Khánh, nhandan.com.vn