Ngày 14/11/2020
Biểu tượng riêng dành cho người khuyết tật
Các quốc gia khác thường dùng hình ảnh người ngồi xe lăn làm biểu tượng của người khuyết tật, nhưng Nhật Bản lại chọn sử dụng hình ảnh cỏ bốn lá. Lý do được cho là để tránh mọi người hiểu nhầm rằng tất cả những người tàn tật đều sử dụng xe lăn. Bên cạnh đó, cỏ bốn lá được coi là biểu tượng may mắn vì nó không phổ biến. Việc lấy cỏ bốn lá biểu tượng cho người tàn tật là một ý tưởng độc đáo, sáng tạo, giúp người tàn tật không suy nghĩ rằng mình thiếu năng lực.
Đề can xe cho các tài xế lớn tuổi
Những người từ 70 tuổi trở lên được khuyến nghị sử dụng loại đề can đặc biệt để biểu thị "xe ôtô này do người cao tuổi lái" (nhãn hiệu Kōreisha). Lái xe từ 75 tuổi trở lên bắt buộc phải dán đề can này trên xe. Bằng cách đó, các tài xế khác có thể nhận biết và quan tâm nhường nhịn, giúp đỡ hoặc "thông cảm" hơn. Việc chủ xe có dấu này cũng đồng nghĩa họ có quyền đậu xe trong khu vực dành riêng.
Phù hiệu dành riêng cho bà bầu
Tấm phù hiệu tròn với dòng chữ "Tôi có em bé trong bụng" được trang bị cho các phụ nữ mang thai. Nhờ thế, những người đi tàu sẽ nhường chỗ cho các bà bầu trên những chuyến tàu đông đúc. Điều này giúp cho việc mang thai bớt căng thẳng và áp lực hơn.
Bồn cầu có chức năng sưởi, có bồn rửa tay
Những nhà vệ sinh sang trọng ở Nhật Bản đều có hệ thống sưởi, điều này rất hữu ích trong mùa đông. Ngoài ra, bồn cầu còn tích hợp cả một bồn rửa. Nước chảy sau khi bạn rửa tay có thể được sử dụng để xả bồn cầu. Điều này giúp giảm thiểu sự lãng phí nước.
Micro karaoke không phát ra tiếng
Việc hát karaoke có thể gây phiền toái cho hàng xóm, đặc biệt nếu bạn sống trong chung cư. Để giải quyết vấn đề này các công ty Nhật Bản đã tạo ra một chiếc micro có thể giúp chặn khoảng 70% âm thanh bạn phát ra.
Chữ nổi trên các vật dụng hàng ngày
Việc in chữ nổi trên mọi vật dụng để người khiếm thị có thể sử dụng rất phổ biến trong văn hóa của người Nhật. Các nhà sản xuất in chữ nổi trên lon để phân tách rượu và đồ uống khác, thậm chí trên nút toilet, số ghế trên tàu cao tốc, trên máy bán đồ bằng tiền xu và thậm chí trên chai keo dán.
Vạch vàng trên vỉa hè để hướng dẫn người thị lực kém
Lấy cảm hứng từ chữ nổi, Seiichi Miyake đã tạo ra những đường đi riêng màu vàng để những người có thị lực kém vẫn có thể nhìn thấy dễ dàng. Các dấu chấm là để cảnh báo nguy hiểm ở phía trước, trong khi các ô dài là để chỉ đường cho người mù.
Khu vực giữ ô
Một số nơi ở Nhật Bản cung cấp tủ có khóa để để giữ ô của bạn. Sau đó, bạn có thể di chuyển trong tòa nhà dễ dàng hơn mà không phải khư khư chiếc ô bên mình. Không mang theo chiếc ô ướt vào tòa nhà cũng đồng nghĩa với việc bạn không làm sàn bị ướt và không ai bị trượt ngã.
Sử dụng khay nhỏ phục vụ việc thanh toán bằng tiền mặt
Sử dụng khay cho việc thanh toán bằng tiền mặt không chỉ là một cử chỉ lịch sự, mà còn thực tế và hữu ích. Khách hàng có thể dễ dàng nhìn xem mình đã đưa đúng, đưa đủ tiền chưa, có bị rớt đồng nào không.
Bốt điện thoại công cộng thân thiện với người đi xe lăn
Dù thời đại này, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi, Nhật Bản vẫn giữ lại các bốt điện thoại công cộng, trong trường hợp thiên tai. Những chiếc điện thoại công cộng này thường được đặt thấp hơn tầm mắt, để phục vụ cho những người ngồi trên xe lăn.
Đề can dành riêng cho người khiếm thính
Nhật Bản cho phép những người lái xe khiếm thính tham gia giao thông. Tuy nhiên, họ cung cấp cho những lái xe này một loại đề can hình con bướm. Khi một lái xe có đề can này, những người lái xe khác phải kiên nhẫn và hỗ trợ họ. Biểu tượng đại diện cho đôi tai trông giống như một con bướm, đơn giản vì cách phát âm của chúng có tương đồng.
Cờ vàng cho trẻ em băng qua những con đường đông đúc
Trẻ em ở Nhật Bản thường tự đi lại, nên chúng sẽ phải sang đường mà không có sự giám sát của người lớn. Những lá cờ vàng được trang bị để cảnh báo những người lái xe ô tô rằng có người đang băng qua đường. Những lá cờ này có sẵn trên vỉa hè của những con đường đông đúc. Trẻ em có thể sử dụng cờ và trả chúng vào thùng ở bên kia đường.
Rào chắn hình thù đáng yêu ở các công trường xây dựng
Để không làm phiền người khác, công nhân trong các công trường xây dựng được yêu cầu giảm thiểu tiếng ồn từ công việc xây dựng. Một số hoạt động trên công trường chỉ được thực hiện vào một thời điểm cụ thể, và nếu có bất kỳ thay đổi nào về lộ trình, sẽ luôn có người hướng dẫn người tham gia giao thông. Điều thú vị là trên công trường luôn có các thiết bị cảnh báo đẹp mắt được sử dụng.
Nguồn: Thùy Linh (Theo Brightside)
Link: https://vnexpress.net/nhung-dieu-chi-co-the-thay-o-nhat-ban-4191764.html