Sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng cũng như tính kỷ luật thép là một trong những điều quan trọng làm lên sự thành công của người Nhật.
Điều này được thể hiện rất rõ qua cách họ “đối xử” với tấm danh thiếp (name card). Cụ thể là trong một cuộc gặp gỡ, người Nhật bao giờ cũng bắt đầu bằng việc trao đổi danh thiếp một cách trịnh trọng nhất. Lễ nghi này được gọi là “meishi kokan”. Khi nhận danh thiếp của đối tác, bạn phải nhận bằng hai tay và đọc lại những thông tin được in trên đó một cách cẩn thận, sau đó đặt nó vào trong chiếc hộp chuyên để card hoặc đặt trên bàn ngay trước mặt của người đối diện, sử dụng nó trong cuộc chuyện trò khi cần. Nếu bạn cất luôn tấm danh thiếp vào túi sẽ bị cho là không tôn trọng người khác.
Trong những cuộc gặp gỡ của người Nhật, họ luôn trực tiếp đưa ý kiến của mình tới người có cấp bậc cao nhất để giải trình dự định chứ không phải vì mục đích tăng sự chú ý của sếp với mình. Khi cúi chào, theo lễ phép chào hỏi của người Nhật, càng với người lớn tuổi hoặc thâm niên làm việc lâu năm hơn, bạn càng phải cúi chào thấp hơn. Văn hóa của người Nhật luôn coi trọng giá trị của những người đi trước vì sự hiểu biết, từng trải và cả những kinh nghiệm đáng quý mà họ để lại. Dù bạn có ở thang bậc nghề nghiệp cùng nhau, nhưng những người tuổi lớn hơn bạn vẫn luôn quan trọng hơn bạn.
Người Nhật rất yêu công việc, họ coi công việc như cuộc sống của mình, “sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống”. Họ chăm chỉ làm việc suốt đời và hạnh phúc khi được làm việc. Với người Nhật thì thật là tệ hại khi không được làm việc.
Trẻ con Nhật Bản từ nhỏ đã được giáo dục: “Đã không làm thì thôi nhưng đã làm thì phải làm việc hết mình”, yêu và say mê công việc, cố hết sức phấn đấu làm việc. Ngoài ra, họ rất rõ ràng giữa làm việc và vui chơi. Khi chơi thì có thể rất vui vẻ thoải mái nhưng khi làm việc thì người Nhật cực kì kỷ luật và nghiêm túc, tập trung 100%.
“Đẳng cấp của một người được đánh giá bằng sự nỗ lực bền bỉ cả đời chứ không phải là sự xuất thần bất ngờ”. Người Nhật coi trọng sự chăm chỉ nỗ lực từng chút một, lâu dài cả cuộc đời hơn là sự thăng tiến nhảy vọt. Nói chung, họ coi trọng địa vị xã hội, nể phục một người nào đó vì có nhiều đóng góp cho cộng đồng chứ không đơn thuần đánh giá qua hình thức bề ngoài. Ở Nhật, một người kế toán cần mẫn làm việc cả đời đóng góp cho công ty sẽ có địa vị xã hội cao hơn là một anh nhà giàu ăn chơi, có xe xịn, áo đẹp nhưng không mang lại lợi ích gì cho xã hội.
Rất nhiều doanh nghiệp của Nhật bắt đầu ngày làm việc bằng cách tập hợp công nhân, xếp hàng và cùng nhau hô to khẩu hiệu của công ty. Đó là một cách tạo cảm hứng hăng hái, động lực và tạo lòng trung thành trong công việc. Mỗi cuộc tập hợp vào buổi sáng sẽ đi kèm với những lời nhắc nhở về chiếc lược, mục tiêu lâu dài của công ty giúp nhân viên ghi nhớ và tránh gây ra sự mơ hồ nếu cứ nhắc nhở từng cá nhân.
Sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt nhoài, người Nhật đều sẵn sàng “xả hơi” tại các quán bar, karaoke và thỏa sức vui chơi, ca hát. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ khiêu vũ, hộp đêm còn là nơi những người cộng sự, đồng nghiệp, đối tác chia sẻ thông tin, kí kết giao kèo để tăng cường mối quan hệ gắn bó lâu dài.
Nguồn: http://duhocnhatico.edu.vn/nhung-nguyen-tac-giup-nguoi-nhat-thanh-cong.html