Chứng khoán Tokyo chiều 28/8 (thứ Sáu) giảm điểm rất nhanh, một phản xạ không điều kiện trước tin tức ông Abe Shinzo, vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản sắp rời khỏi vị trí lãnh đạo. Ông sẽ từ nhiệm vì lý do sức khoẻ, trong khi đất nước đang rơi vào 1 trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Abe nỗ lực vực dậy nền kinh tế Nhật Bản với chính sách 3 "mũi tên": huy động tài khoá linh hoạt, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Chính sách còn được gọi là Abenomics này đã có hiệu quả nhất định trên 2 phương diện: giá cổ phiếu, và tỉ lệ thất nghiệp. Vào cuối năm 2012, chỉ số Nikkei trung bình của 225 cổ phiếu tiêu biểu xê dịch quanh mốc 10.000 điểm. Hiện nay, sau hơn 7 năm nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và tăng chi tiêu công, chỉ số Nikkei đạt mức khoảng 23.000 điểm. Kết quả của chỉ số Nikkei dường như không phản ánh đúng tác động nghiêm trọng của đại dịch vi-rút corona.
Vào cuối năm 2012, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản là trên 4%. Gần đây nhất, tỉ lệ này là khoảng 2,8%, thấp một cách đáng ngạc nhiên so với các nước khác trong giai đoạn bất thường này.
Quả thực, việc ông Abe có tỉ lệ ủng hộ tương đối ổn định trong những năm qua có thể phần lớn là do thị trường việc làm dồi dào, cổ phiếu có xu hướng tăng giá, và lợi nhuận doanh nghiệp vững chắc. Thực tế, thủ tướng đã lèo lái đưa Nhật Bản sang giai đoạn kinh tế phục hồi dài thứ 2 kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tuy vậy, chính sách Abenomics không tránh khỏi chỉ trích từ những người nêu lên vấn đề nợ của đất nước rất lớn và rất thực tế. Đến cuối tài khóa 2020, tổng dư nợ trái phiếu chính phủ Nhật Bản ước tính vào khoảng 964 nghìn tỷ yên (khoảng 9,1 nghìn tỷ đôla). Vào thời điểm cuối tài khóa 2012, con số này là 705 nghìn tỷ yên. Kêu gọi cải cách cơ chế chưa được thực hiện, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2% mục tiêu.
Giờ đây, Nhật Bản đang quay cuồng trong đợt suy giảm kinh tế mạnh nhất từ trước đến nay, với mức quy đổi theo năm là giảm 27,8% trong quý tháng 4-6. Xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Trong nhiều tháng từ trước khi vi-rút bùng phát, tâm lý tiêu dùng đã giảm do thuế tiêu dùng tăng vào tháng 10 năm ngoái. Nhiều chuyên gia nhận định có thể phải mất hơn 2 năm mới lấy lại được những gì đã mất.
Để xoay chuyển kinh tế Nhật Bản, những bước tiến năng động là vô cùng cấp thiết. Nhưng với nợ chính phủ ngày càng chồng chất, và ngân hàng trung ương đã mua vào lượng lớn công trái nhà nước thì dư địa hầu như không còn.
Sau gần 8 năm, những mũi tên của ông Abe sắp không còn trên đường bay. Không ai đoán được người kế nhiệm ông sẽ chọn chiến lược gì. Nhưng với thực trạng kinh tế Nhật Bản hiện nay thì có thể chắc chắn 1 điều: Không có thần dược.
Nguồn: nhk.or.jp