SAC DEP HOA ANH DAO

Sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản

Tin tức tổng hợp Cập nhật 14 tháng 08 846 lượt xem

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Nhật Bản được biết đến là đất nước của những con người ý chí, nghị lực và tự cường vươn lên từ đống tro tàn sau chiến tranh thế giới thứ hai, hay sau những trận động đất, sóng thần kinh hoàng đi kèm tai nạn nổ nhà máy điện hạt nhân. Bấy nhiêu tang thương đó tưởng chừng sẽ vùi dập nước Nhật trong đổ nát, hoang tàn, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng với khí phách của người Nhật và những chính sách đúng đắn của chính phủ Nhật Bản đã đưa đất nước từng bước phục hồi sau các biến cố và tiếp tục công cuộc phát triển, thay da đổi thịt nền kinh tế đất nước, khẳng định vị thế của Nhật Bản trên trường thế giới. Đất nước Nhật Bản trở thành minh chứng sống cho “quốc gia khởi nghiệp” trong thời đại hiện nay.

Sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản

Nhật Bản trở thành minh chứng sống cho “quốc gia khởi nghiệp” trong thời đại hiện nay.

Vượt qua khó khăn

Sau thế chiến thứ hai, từ một nền kinh tế kiệt quệ, đất nước chìm trong tang thương, chết chóc và trở thành sân sau của Mỹ. Nhưng Nhật Bản đã biến bất lợi thành điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, dựa vào Mỹ để giảm chi phí quân sự và tập trung cho phát triển kinh tế nhờ vậy chỉ sau khoảng 15 năm, đến giai đoạn 1970-1973 kinh tế Nhật đạt tốc độ phát triển thần kỳ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,8%/năm, từ năm 1968 Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ và vươn lên trở thành một trong ba trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất thế giới cùng với Mỹ và Tây Âu kể từ năm 1970. Chính sự phát triển này đã tạo dựng tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Nhật Bản từ đó cho tới ngày nay mặc dù hiện tại nền kinh tế Nhật tụt xuống hàng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

tour-nhat-ban-nui-phu-si-5-cc86e_zaey.jp

Sau thế chiến thứ hai, từ một nền kinh tế kiệt quệ, đất nước chìm trong tang thương, chết chóc và trở thành sân sau của Mỹ.

Nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương, thiên tai động đất và sóng thần vẫn gõ cửa nước Nhật hàng năm. Nhưng dường như thiên tai không thể hủy hoại mà càng làm tăng thêm ý chí kiên cường của người Nhật và của đất nước Nhật, không những thế “động đất sẽ giúp lột xác những vùng đất nghèo, kém phát triển”.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nhật Bản luôn phải hứng chịu những cuộc động đất lớn kèm theo sóng thần, điển hình là trận động đất, sóng thần kinh hoàng tháng 3 năm 2011 đã nhấn chìm nước Nhật trong đống hoang tàn, đổ nát. Thảm họa kép đã xóa sổ nhiều thị trấn, san phẳng nhiều đô thị ven biển miền Bắc Nhật Bản, nhiều người thiệt mạng, mất tích, bị vùi lấp trong các đống đổ nát, người bị thương, bị đói rét và rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Khó khăn chồng chất khó khăn, ngay sau sóng thần, Nhật Bản lại phải đối mặt với sự cố điện hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, rò rỉ phóng xạ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân và giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Nhật Bản.

Trong lúc khó khăn là lúc tinh thần người Nhật được đẩy lên cao nhất.Với chính sách tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và rò rỉ phóng xạ, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản đã vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển đất nước. Nhìn lại thảm họa 5 năm trước không ai khỏi xót xa nhưng điều đó lại càng tôi luyện ở con người Nhật Bản ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn.

Nhật Bản “tận dụng” thiên tai để phát triển kinh tế, và người Nhật luôn khẳng định “Chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ để ngăn cản thảm họa xảy ra, tốt nhất hãy nên nhìn vào tương lai. Chúng ta đã may mắn được sống sót vậy hãy xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Sau 5 năm xảy ra thảm họa kép, đã giúp nhiều khu vực thay da đổi thịt như khu cảng Onagawa tỉnh Miyagi đã trở nên sôi động hơn nhiều tập nập người qua lại, các quán bia, café, nhà hàng, trung tâm mua sắm mọc lên; nhiều vùng quê ít người biết nay đã thu hút sự quan tâm và đầu tư của chính phủ, các thị trấn ven biển được đầu tư 2,5 tỷ yên cho xây đê, tỉnh Miyagi được nhận 180 tỷ yên để xây 15 ngàn căn nhà tái thiết và tạo ra số lượng việc làm lớn.

Sẵn sàng chấp nhận thiên tai, đương đầu với nó và tận dụng nó để phát triển kinh tế là điều mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã, đang và sẽ làm để tiếp tục đương đầu với khó khăn và phát triển kinh tế đất nước.

96_lucj.jpeg

Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận thiên tai, đương đầu với nó và tận dụng nó để phát triển kinh tế

Vươn lên mạnh mẽ

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe và nội các, trong những năm gần đây, hàng loạt các chính sách kinh tế đã được áp dụng, điển hình như việc áp dụng mức lãi xuất âm -0,1% nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ, khắc phục tình trạng giảm phát; tăng thuế để chi trả khối nợ công khổng lồ; tăng cường thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, trong đó đặc biệt là du lịch với việc nới lỏng thủ tục visa, mở thêm nhiều tuyến bay, các cửa hàng miễn phí…Năm 2016 cũng đánh dấu năm tăng giá của đồng tiền yên Nhật. Theo báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 3/11/2016, GDP tăng 2,2% trong quý 3 năm 2016 so với quý trước, vượt qua mức dự đoán của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế.

Với lĩnh vực khoa học – công nghệ. Nhật Bản vẫn thể hiện là đất nước đi đầu về lĩnh vực này.Vừa qua ngày 9/12 Nhật Bản đã phóng một con tàu vũ trụ chở hàng tiếp tế cho Trạm không gian quốc tế (ISS) đồng thời làm nhiệm vụ dọn rác trên vũ trụ. Sự thành công của Nhật Bản đã khẳng định được sự phát triển mạnh của lĩnh vực khoa học – công nghệ Nhật Bản, giúp giảm thiểu rủi ro cho ngành công nghiệp không gian trị giá hàng tỷ USD và bảo vệ các vệ tinh truyền thông.

Ở lĩnh vực giáo dục, Nhật Bản tiến hành chính sách thu hút nguồn nhân lực nước ngoài thông qua “Quyết định tăng thêm việc làm cho các du học sinh”. Ngày 2/6 vừa qua, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tổ chức đồng thời Hội nghị lần thứ 10 về chính sách kinh tế tài chính và Hội nghị cạnh tranh công nghiệp lần thứ 28. Tại cuộc họp đề ra “các phương châm cơ bản của cải cách, quản lý kinh tế tài chính năm 2016 và “chiến lược hồi sinh Nhật Bản năm 2016” để ra quyết định cải thiện tỷ lệ việc làm của sinh viên nước ngoài lên 50%, tận dụng nguồn nhân lực tiên tiến của nước ngoài để nâng cao năng xuất lao động; đẩy mạnh liên kết với nhiều trường đại học, doanh nghiệp lớn, mời 1000 sinh viên xuất sắc của các trường đào tạo về kỹ thuật hàng đầu Châu Á đến Nhật học tập và làm việc; lập ra “Thẻ xanh nguồn nhân lực cao cấp Nhật Bản” nhằm thu thập và lưu giữ các công chức nước ngoài tài năng.

Nhìn chung, những năm gần đây Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kinh tế Nhật vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Chính sách phát triển giáo dục và khoa học-công nghệ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản hiện nay.

japan83_jhdc.jpg

Ở lĩnh vực giáo dục, Nhật Bản tiến hành chính sách thu hút nguồn nhân lực nước ngoài thông qua

“Quyết định tăng thêm việc làm cho các du học sinh”

Bài học cho Việt Nam

Vào những khoảnh khắc cuối cùng của năm 2016, nhìn nhận sự phát triển kinh tế đất nước trong suốt một năm và chuẩn bị phương hướng chiến lược phát triển cho năm 2017 hướng theo đúng tinh thần của Chính phủ mới là xây dựng một chính phủ “kiến tạo và phục vụ” hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp với mong muốn khơi dậy niềm tin trong mọi người, mọi nhà, chú trọng phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhìn nhận sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản để tạo động lực và rút ra những kinh nghiệm cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Yếu tố quan trọng nhất làm nên sự phát triển đó là nguồn lực con người. Con người Việt Nam cũng trải qua những năm tháng kiên cường, anh dũng chống chọi với chiến tranh gian khổ như con người Nhật Bản. Nhưng để đất nước có thể phát triển trong thời đại kinh tế hội nhập, người Việt Nam cần rèn luyện tinh thần đoàn kết, đồng lòng và lạc quan vươn lên trước những khó khăn gian khổ, khắc phục và biến những bất lợi thành thời cơ để phát triển.

ngo-ngang-voi-ly-do-hoc-sinh-nhat-ban-th

Yếu tố quan trọng nhất làm nên sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản là nguồn lực con người.

Việt Nam cần tiếp tục tích cực đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế chủ đạo, là lợi thế của đất nước, trong đó có lĩnh vực dịch vụ - du lịch; xây dựng các chính sách phát triển kinh tế mới, phù hợp với xu thế công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đẩy mạnh ưu tiên phát triển giáo dục, khoa học - công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất mới, tiên tiến; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài; cải tổ bộ máy quản lý mở nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi thức đẩy nền kinh tế đất nước.

Có thể nói, nhìn nhận lại con đường vươn lên của Nhật bản, rút ra và áp dụng những bài học kinh nghiệm đó vào Việt Nam sẽ tạo ra động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

TS. Phạm Hồng Long

Phạm Thị Anh

Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: baophapluat.vn