SAC DEP HOA ANH DAO

Tại sao người Nhật ứng phó tốt trước thiên tai?

Tin tức tổng hợp Cập nhật 15 tháng 10 713 lượt xem

Có thể tìm nguyên nhân ở hai yếu tố là hệ thống xã hội và nền giáo dục dân chủ, khoa học tạo ra môi trường khuyến khích và nuôi dưỡng những sự hợp lý và tinh thần nhân văn.

Ông Nguyễn Quốc Vương

Ông Nguyễn Quốc Vương

Điểm chung giữa hệ thống xã hội và hệ thống giáo dục đó là luôn tạo ra tư thế và tinh thần “chuẩn bị sẵn sàng” ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp.

Có một học giả Nhật từng viết đại ý rằng khi người nước ngoài đọc sách, xem tin tức và nghe người Nhật nói chuyện có thể họ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy trong lúc cuộc sống yên bình và có vẻ tốt đẹp tại sao người Nhật lại luôn bàn và nói đi nói lại mãi về những “vấn đề”, những cái chưa hoàn thiện, những cái cần phải khắc phục?

Học giả này lý giải rằng đó là vì người Nhật luôn nghĩ đến việc cải tiến mọi thứ tốt hơn và đề phòng trường hợp xấu nên họ có xu hướng chú ý đến các “vấn đề” hơn là nhìn vào những “thành tựu” hay sự “tự hào”.

Chính vì xuất phát từ tư duy đó mà ngay trong cuộc sống bình thường yên ả hằng ngày, cả hệ thống xã hội của nước Nhật từ các cơ quan có trách nhiệm như bệnh viện, trường học, sở cứu hỏa, sở cảnh sát, quân đội tới các gia đình đều có tư thế và động tác chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp khi thiên tai xảy ra.

dong-dat-1479801416-1480214114.jpg

Xe chở người Nhật đi tránh sóng thần chạy ngay ngắn trật tự trên đường - Ảnh: AP

Hệ thống an toàn và đưa ra thông tin cảnh báo thiên tai được xây dựng khắp toàn quốc và được kiểm tra thường xuyên.

Các cơ quan có liên quan như sở cứu hỏa, sở cảnh sát, quân đội, bệnh viện thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai.

Ở từng khu phố đều có các địa điểm sơ tán khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra, các ngôi trường có sân vận động rộng cũng trở thành địa điểm sơ tán khi cần thiết. Ngay cả ở từng gia đình, việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết phòng khi có thiên tai bất ngờ cũng trở thành chuyện đương nhiên.

Ở trường học, học sinh được học về thiên tai và phòng chống thiên tai một cách chi tiết và thiết thực, bao gồm cả các hoạt động luyện tập trong thực tế. Ví dụ đơn giản như chuyện xếp hàng - một hoạt động cần đến tinh thần tự giác và hợp tác luôn được chú trọng trong trường học.

Chính tư thế và tinh thần chủ động trước các “vấn đề” như thế cộng với cơ sở hạ tầng khoa học và đầy đủ tương đối đã giúp người Nhật không bị bất ngờ và hoảng loạn khi thiên tai xảy ra.

Những hành động bình tĩnh, có trật tự và giàu tính nhân văn như hợp tác, nhường nhịn lẫn nhau (xếp hàng mua thực phẩm hay khi sơ tán) của người Nhật khi xảy ra thiên tai làm cho người nước ngoài thán phục thật ra là những hành động họ vẫn lặp đi lặp lại như một thói quen hằng ngày ở nhiều không gian khác nhau.

Sự tin cậy vào hệ thống xã hội nói chung và sự tin cậy lẫn nhau đã thúc đẩy và duy trì thói quen đó. Nhờ thế, khi có thiên tai lớn như động đất, sóng thần, những thiệt hại thứ phát xảy ra do sự ứng phó chậm trễ hay hỗn loạn đã được giới hạn ở mức thấp nhất có thể.

Tác giả: NGUYỄN QUỐC VƯƠNG (NCS tại Nhật)