Ngày 16/9/2017
Phong cách kiến trúc theo tinh thần Wabi Sabi được nhiều người trên thế giới ưa chuộng bởi sự gần gũi và cảm giác dễ chịu, yên bình mà nó mang lại. Tư tưởng chủ đạo của phong cách thiết kế này chính là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất tự nhiên của mọi vật, đồng thời giản lược tất cả những chi tiết dư thừa vốn chỉ làm tâm hồn con người thêm nặng nhọc.
Ảnh: tantan/PIXTA
Có nguồn gốc từ Phật giáo, Wabi Sabi (侘び寂び) là cảm quan về cuộc sống, đồng thời là một quan điểm mỹ học chi phối tư tưởng của nhiều loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay của người Nhật. Đây là một cụm từ không quá khó để giải nghĩa về mặt từ ngữ, nhưng để thấu hiểu và thấm nhuần tư tưởng nó thể hiện thì ngay cả người Nhật cũng cảm thấy bối rối.
Wabi (侘), từ Hán Việt đọc là “Sá”, được định nghĩa là ý thức tìm kiếm cảm giác đủ đầy về tâm hồn trong sự túng thiếu, nghèo khổ. Từ này bắt nguồn từ động từ Wabu (侘ぶ) bao gồm các nghĩa là thất vọng, buồn phiền, đau khổ, sống cuộc sống nghèo nàn, tận hưởng sự tĩnh lặng, tha thứ,...
Sabi (寂), từ Hán Việt đọc là “Tịch”, được định nghĩa là vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng. Bắt nguồn từ động từ Sabu (寂ぶ) có nghĩa là sự hư hỏng dần theo thời gian.
Trải qua nhiều sự thay đổi mà chủ yếu là được hoàn thiện bởi Matsuo Basho, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, không vĩnh viễn và không trọn vẹn, vốn là ba đặc điểm hiển nhiên của vạn vật. Thời gian trôi đi, vạn vật tuy tàn phai hao mòn nhưng lại tích lũy khí chất, đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, của thời gian và là vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng.
Nghệ thuật dùng vàng để hàn gắn đồ gốm đã vỡ của Nhật Bản thấm đượm tinh thần Wabi Sabi. Chính nhờ sự đổ vỡ này
mà bản thân món gốm đã trở nên đặc biệt hơn với những vết nứt chỉ riêng nó mới sở hữu. Ảnh: sonda0112/PIXTA
Wabi Sabi xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm vật chất cũng như tinh thần của người Nhật, như nghệ thuật gốm sứ, thơ ca, hội họa, Trà đạo, nghệ thuật cắm hoa Ikebana,... và đặc biệt là kiến trúc nội thất. Phong cách kiến trúc theo tinh thần Wabi Sabi được nhiều người trên thế giới ưa chuộng bởi sự gần gũi và cảm giác dễ chịu, yên bình mà nó mang lại. Tư tưởng chủ đạo của phong cách thiết kế này chính là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất tự nhiên của mọi vật, từ chất liệu, màu sắc, kết cấu cho đến không gian.
Ngoài ra với nguyên tắc chú trọng sự tối giản, những vật dụng không cần thiết sẽ không được đưa vào không gian Wabi Sabi. Nội thất mang đường nét đơn giản, không thừa không thiếu, vừa đủ để thực hiện đúng chức năng của nó nhưng ẩn sau đó lại toát lên vẻ đẹp của sự chân thật.
Lối kiến trúc Wabi Sabi chủ động tạo nhiều khoảng trống, nhưng đó không phải là không gian trống vô nghĩa. Tất cả đều được tính toán hợp lý sao cho tận dụng hiệu quả nguồn ánh sáng tự nhiên và gió có thể tràn vào qua khắp các cửa nẻo, đồng thời cũng tạo cảm giác thoáng đãng, dễ chịu.
Không gian thiết kế sao cho có thể tận dụng hiệu quả nguồn ánh sáng và gió từ tự nhiên. Ảnh: mic1017/PIXTA
Về chất liệu
Đề cao vẻ đẹp của thời gian, phong cách kiến trúc Wabi Sabi chuộng sử dụng các chất liệu thô mộc, tự nhiên dễ nhuốm màu thời gian như gỗ, đá, đất sét, kim loại thô, vải vóc,... và đặc biệt thường bỏ qua các công đoạn gia công dễ làm mất đi nét đẹp tự nhiên vốn có của chất liệu.
Nội thất theo trường phái Wabi Sabi thường được thiết kế sao cho hạn chế tối đa việc uốn nắn, thay đổi theo mục đích sử dụng của con người. Nhờ vậy mà nhiều sản phẩm nội thất với kiểu dáng độc đáo có một không hai được ra đời.
Phong cách kiến trúc Wabi Sabi chuộng sử dụng các chất liệu thô mộc, tự nhiên và hạn chế thay đổi kiểu dáng tự nhiên của vạn vật. Ảnh: monjiro/PIXTA
Tông màu chủ đạo hoặc mang nét trầm mặc, sâu lắng hoặc thanh thoát nhẹ nhàng phụ thuộc vào chất liệu sử dụng do hoàn toàn giữ nguyên màu sắc tự nhiên, nhưng đặc biệt luôn là một tổng thể hài hòa, không có màu sắc nào nổi trội.
Nếu có dịp ghé thăm những công trình kiến trúc theo phong cách Wabi Sabi nổi tiếng của kiến trúc sư Tadao Ando như tòa nhà Awaji Yumebutai ở Hyogo, Wabi House ở Mexico hay Vitra Seminar House ở Đức,... hẳn bạn sẽ nhìn ra ngay ranh giới giữa sự thô mộc, tự nhiên của Wabi Sabi và sự xuề xòa cẩu thả vốn xuất phát từ thái độ thờ ơ, nửa vời của con người.
Những vết nứt gãy, ố vàng hay rỉ sét, rêu phong là chu trình tất yếu của tự nhiên, con người cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp đó bằng cách không chối bỏ sự thiếu hoàn hảo này và để mặc chu trình diễn ra theo năm tháng. Điều này khác hoàn toàn với những chiếc bàn đóng lớp bụi dày do nhiều ngày không lau chùi dọn dẹp. Vậy nên nếu bạn nhìn thấy một chiếc giường bừa bộn chăn gối, hay tấm thảm còn nguyên vết ố cà phê đổ lên,... thì đó không phải là Wabi Sabi đâu nhé.
Một chi tiết mang đậm dấu ấn thời gian trong tòa nhà Awaji Yumebutai. Ảnh: gakushi/PIXTA
Thep Lăng Vi/kilala.vn. Ảnh: PIXTA
Link https://kilala.vn/phong-cach-song/ve-dep-vo-thuong-trong-kien-truc-nhat-ban.html