Hệ thống đường sắt Nhật Bản phục vụ khoảng 12 tỷ lượt khách mỗi năm trên những chuyến tàu chuẩn xác đến từng giây. Khi một đoàn tàu cao tốc dừng lại hay chuẩn bị rời bến, những nhân viên nhà ga đeo găng tay trắng sẽ bắt đầu chỉ tay và gọi - dù không nói với ai. Ngay cả lái tàu hay nhân viên soát vé trên tàu cũng chỉ về phía bảng điều khiển và màn hình điện tử.
Hành khách lần đầu thấy cảnh này có thể nghĩ họ đang làm những điều "ngốc nghếch". Tuy nhiên đây thực ra là một phương pháp an toàn phổ biến tại Nhật Bản.
Phương pháp này tên là shisa kanko - chỉ tay và gọi để "củng cố nhận thức của người lao động", theo Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia Nhật Bản. Thay vì chỉ dựa vào mắt hoặc thói quen của con người, từng nhiệm vụ nhất định phải được "củng cố" bằng cách chỉ tay vào các số quan trọng và nói lớn mô tả trạng thái. Nhờ vậy, não bộ, mắt, tay, miệng và tai của người lao động đều phải phối hợp với nhau.
Ví dụ, khi cần kiểm tra tốc độ của đoàn tàu, lái tàu không đơn thuần nhìn vào bảng điều khiển mà còn phải hô lên "kiểm tra vận tốc", thông báo kèm địa điểm, xác nhận thông số chuẩn xác. Với nhân viên nhà ga, chỉ kiểm tra bằng mắt thường là chưa đủ để phát hiện những vật thể lạ trên đường ray hay khách vi phạm hành lang an toàn. Họ sẽ chỉ tay xuống nền và mắt nhìn theo hướng ngón trỏ để quét toàn bộ chiều dài của nhà ga. Quy trình này lặp lại khi tàu chuẩn bị rời ga, nhằm đảm bảo không có hành khách hay túi đồ nào bị kẹt ở cửa tàu.
Shisa kanko là một phần không thể thiếu trong giao thông vận tải xứ sở hoa anh đào, thậm chí một triển lãm ảnh năm 2018 từng dành riêng cho phương pháp an toàn cổ điển này. Ảnh: Florian Markl.
Shisa kanko được áp dụng trong một số ngành công nghiệp tại Nhật Bản. Theo một nghiên cứu trước đây, phương pháp chỉ và gọi được phát triển bởi Cục Quản lý Đường sắt Kobe từ cuối thời Minh Trị (khoảng đầu thế kỷ 20), giúp giảm tới 85% sai sót trong môi trường lao động.
Dường như phương pháp này chỉ giới hạn tại Nhật Bản, bởi nó là một trong những điều kỳ quặc của xứ sở mặt trời mọc, khó ứng dụng tại phương Tây. Nhiều nhà bình luận người Nhật đưa ra giả thuyết rằng người phương Tây cảm thấy "ngốc nghếch" khi chỉ trỏ và hô lớn nơi đông người. Người phát ngôn của Tokyo Metro khẳng định nhân viên mới nhận thức việc chỉ tay và gọi là cần thiết để vận hành đường sắt an toàn. Do đó họ không cảm thấy ngượng ngùng trước đám đông.
Một ngoại lệ đáng kể là hệ thống tàu điện ngầm (MTA) của Mỹ. Nathaniel Ford, một lãnh đạo của ngành đường sắt Mỹ, ấn tượng với phương pháp shisa kanko trong chuyến thăm Nhật Bản và đem nó về New York.
Từ 1996, MTA ứng dụng một nửa shisa kanko - các công nhân đường sắt New York chỉ thực hiện cử chỉ tay để xác định một đoàn tàu dừng đúng điểm trên đường ray hay chưa. Theo người phát ngôn của MTA, Amanda Kwan, các "nhạc trưởng" của đoàn tàu nhanh chóng thích nghi với phương pháp mới. Trong vòng hai năm thực hiện, sự cố với tàu điện ngầm đã giảm 57%.
Ngoài Mỹ, phương pháp chỉ và gọi này còn được ứng dụng tại Trung Quốc và Canada với một số điểm thay đổi cho phù hợp với hệ thống đường sắt địa phương.
Nguồn: Bảo Ngọc (Theo Atlas Obsura)/ vnexpress.net